Chính trường Pháp rơi vào khủng hoảng - Bất ổn được báo trước

Nếu Tổng thống Macron không sớm tìm ra giải pháp chính trị, hậu quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ giới hạn ở chính trị mà còn đối với cả kinh tế, xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến cả EU.

Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12. (Ảnh: THX/TTXVN)
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Việc chính trường Pháp bị đẩy vào một giai đoạn khủng hoảng mới là điều đã được dự liệu và không có gì bất ngờ.

Tối 4/12, đa số đại biểu trong Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu tán thành kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức.

Với sự ủng hộ của các đại biểu thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (RN), bản kiến nghị của liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) đã nhận được 331 phiếu bầu, vượt xa con số 288 cần thiết để được thông qua.

NFP đưa ra kiến nghị sau khi Thủ tướng Michel Barnier kích hoạt điều khoản 49.3 trong Hiến pháp để thông qua dự thảo Ngân sách An sinh xã hội năm 2025 mà không cần bỏ phiếu tại quốc hội.

Động thái của cánh tả đã nhận được sự ủng hộ của đảng cực hữu RN - đảng cũng đưa ra một kiến nghị tương tự. Như vậy, phe cực hữu đã có sự thay đổi về lập trường: từ tuyên bố sẽ “để cho chính phủ tồn tại trong một năm” đến việc tán thành kiến nghị bất tín nhiệm của cánh tả lật đổ bộ máy hành pháp này chỉ sau gần 3 tháng.

Mặc dù được đánh giá là người có nhiều kinh nghiệm trong thương lượng, ông Barnier đã không thể tìm được thỏa hiệp với RN để thông qua các chính sách của chính phủ.

ttxvn_Michel Barnier (2).jpg
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong những ngày cầm quyền ngắn ngủi, ông đã có những nhượng bộ thực sự đối với RN, nhưng vẫn còn những “lằn ranh đỏ” mà đảng này không “cho phép” chính phủ của ông vượt qua, ví dụ như dự luật ngân sách an sinh xã hội.

Chính phủ sụp đổ buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải làm lại từ đầu. Nếu nhà lãnh đạo này không sớm tìm ra giải pháp chính trị, hậu quả sẽ đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ giới hạn ở chính trị mà còn đối với cả kinh tế, xã hội, thậm chí làm ảnh hưởng đến cả Liên minh châu Âu.

Theo trang politico.eu, quả bóng hiện ở trên sân của Tổng thống Macron, người có nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2027 bất kể điều gì xảy ra. Thực tế là Tổng thống Pháp không có nhiều lựa chọn trong bối cảnh chính giới Pháp đang bị phân hóa ngày càng sâu sắc.

Nhiệm vụ trước mắt của Tổng thống Macron là bổ nhiệm một thủ tướng mới có “đường lối rõ ràng” để tồn tại đến năm 2027, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Một chính phủ mới “tinh gọn” và “vì lợi ích chung” sẽ sớm được thành lập dựa trên “những thỏa hiệp mới.” Loại trừ một chính phủ kỹ trị mà ông không ưa thích, Tổng thống Macron có thể cân nhắc xây dựng một liên minh cầm quyền mở rộng, được xây dựng trên cơ sở “thỏa thuận không kiến nghị bất tín nhiệm” nhằm tránh lặp lại tình huống xấu.

Cần nhắc lại rằng cho dù lựa chọn giải pháp nào thì Tổng thống Macron cũng vẫn phải đối mặt với tình thế bấp bênh do cán cân lực lượng chính trị trong Quốc hội vẫn không thay đổi.

Vẫn còn đó một quốc hội rất phân cực với 3 khối lớn, gồm phe cánh tả, trung hữu và cực hữu không thể tìm được sự thỏa hiệp để thể hiện một tiếng nói chung.

Nếu Tổng thống Macron tiếp tục bỏ qua vai trò của liên minh cánh tả, chính phủ mới sẽ lại đối mặt với "công cụ" bất tín nhiệm trong quốc hội, trong khi RN thường xuyên gây áp lực nhằm áp đặt đường lối của phe cực hữu, thực hiện ý đồ lôi kéo cử tri chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống 2027.

ttxvn_quoc hoi phap.jpg
Các nghị sỹ Quốc hội Pháp tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giờ đây, gần như chắc chắn rằng nước Pháp sẽ bắt đầu năm 2025 mà không có ngân sách mới. Chính phủ kế tiếp có thể trông chờ quốc hội thông qua một đạo luật đặc biệt cho phép tiếp tục thu các loại thuế hiện hành và ban hành các nghị định tiếp tục thực hiện các dịch vụ công.

Việc thiếu ngân sách sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực giải quyết nợ mà Pháp đã cam kết với Liên minh châu Âu (EU). Bị đưa vào diện áp dụng thủ tục thâm hụt quá mức, nếu không tuân thủ cam kết, Pháp sẽ phải nộp mức phạt lên tới 0,05% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP - tương đương 1,5 tỷ euro) cho 6 tháng một lần kể từ cuối năm 2025.

Việc không sớm tìm được lối thoát chính trị cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Pháp.

Bất ổn chính trị kéo dài kể từ khi giải tán quốc hội đã gây tâm lý lo lắng tiềm ẩn trong giới đầu tư, làm gia tăng khoảng cách giữa lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Pháp và của Đức - hiện đã vượt quá 80 điểm cơ bản, mức cao nhất kể từ năm 2012. Chi phí nợ của Pháp vốn đã rất cao có thể sẽ tiếp tục tăng thêm, khiến Pháp phải đi vay với giá cao, thậm chí gần bằng với Hy Lạp.

Cơ quan quan sát Tình hình kinh tế Pháp (OFCE) đã định lượng thiệt hại do bất ổn chính trị gây ra cho nền kinh tế Pháp ở mức 0,2 điểm GDP vào năm 2025, khiến dự báo tăng trưởng của nước này bị hạn chế ở mức 0,8% trong năm tới.

Các doanh nghiệp sẽ giảm tốc độ đầu tư, trong khi các hộ gia đình sẽ tiếp tục tiết kiệm thay vì tiêu dùng. Và tăng trưởng có thể giảm xuống còn 0,5% trong năm 2025.

Sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Barnier đang được dư luận châu Âu đặc biệt chú ý. Pháp hiện nay, giống như Đức, đang rơi vào tình thế không thể thực sự hành động.

Bất ổn chính trị tại hai nước đầu tàu này diễn ra vào thời điểm mà lẽ ra châu Âu phải tỏ ra mạnh mẽ nhất. Khi cả Pháp và Đức đều bị sa vào những vấn đề chính trị nghiêm trọng trong nước, câu hỏi đặt ra là châu Âu phải làm thế nào để đối mặt với một loạt vấn đề, từ cuộc chiến tại Ukraine, căng thẳng thương mại với Trung Quốc cho tới sự trở lại của Tổng thống Donald Trump tại Mỹ.

Đầu năm 2024, Pháp đã công bố cung cấp một khoản viện trợ quân sự trị giá 3 tỷ euro cho Ukraine. Số tiền này đã được điều chỉnh giảm xuống khoảng gần 30% vào tháng 10 do khủng hoảng ngân sách.

Năm 2025, khi ông Trump nhậm chức và áp đặt một nền hòa bình qua đàm phán đối với Ukraine, không ai biết Pháp còn có thể viện trợ đồng minh được bao nhiêu.

Với việc Tổng thống Macron khẳng định ông sẽ vẫn “hoàn toàn” nắm giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Pháp cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2027, trong thời gian tới, Pháp sẽ không thể chứng kiến các cuộc bầu cử mới.

Ông Benjamin Morel, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Paris Panthéon-Assas, nhận định đây là một ý tưởng có thể thu hút được sự chú ý. Trong thời gian chờ bổ nhiệm một thủ tướng mới, chính phủ hiện tại sẽ tiếp tục đảm nhận một số công việc không liên quan đến các văn bản lập pháp.

Dự luật ngân sách năm 2025 do chính phủ này đề xuất coi như đã chết, buộc quốc hội phải tính đến phương án thông qua một đạo luật đặc biệt, kéo dài hiệu lực của Luật ngân sách năm 2024.

Phương án này cho phép bộ máy nhà nước Pháp có thể tiếp tục vận hành ở mức tối thiểu, bao gồm lĩnh vực an sinh xã hội, nhưng không ngăn chặn được khủng hoảng và đặc biệt là sự nghi ngờ của thị trường tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục