Chính phủ Thái Lan sẽ bị loại bỏ trong 10 ngày tới?

Chính trường Thái Lan đứng trước những diễn biến bất thường

Chính trường Thái Lan có thể có những diễn biến bất thường khi ông Suthep Thaugsuban phát động tiếp một "cuộc chiến cuối cùng."
Chính trường Thái Lan đứng trước những diễn biến bất thường ảnh 1Người biểu tình chống chính phủ tuần hành trước tòa nhà Quốc hội ở Bangkok ngày 16/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính trường Thái Lan trong tuần tới có thể có những diễn biến bất thường khi Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban phát động tiếp một "cuộc chiến cuối cùng" trong vòng 10 ngày nhằm loại bỏ hoàn chính phủ hiện nay.

Tuyên bố của ông Suthep được đưa ra một ngày sau khi Thượng viện Thái Lan khẳng định họ sẵn sàng bổ nhiệm một thủ tướng mới nếu cần thiết. Trong tuyên bố này, ông Suthep cũng cam kết sẽ tự ra đầu thú cảnh sát nếu chiến dịch lần này của ông thất bại.

Phong trào biểu tình chống chính phủ và phe đối lập từng hy vọng Thượng viện ra nghị quyết bổ nhiệm một thủ tướng mới vào cuối tuần qua sau khi Tòa án Hiến pháp và Ủy ban chống tham nhũng đã "giúp" họ loại bỏ bà Yingluck Shinawatra khỏi chính trường.

Tuy nhiên, Thượng viện chỉ thống nhất ra tuyên bố ba điểm, gồm Thái Lan cần phải có một Thủ tướng và một Nội các đầy đủ quyền hành nhằm giải quyết khủng hoảng; yêu cầu các đảng phái và chính phủ hiện nay phối hợp tìm ra cách giải quyết; sẵn sàng bổ nhiệm thủ tướng theo đúng yêu cầu của luật pháp nếu thấy cần thiết.

Theo ông Suthep, Thượng viện không đặt ra được khung thời gian cụ thể cho việc chỉ định thủ tướng, nhưng người biểu tình sẽ lấy 10 ngày sắp tới làm mốc "chiến đấu" để hoàn thành mục tiêu của họ.

Dự kiến, những người biểu tình cũng sẽ huy động hàng triệu người xuống đường để thực hiện cuộc nổi dậy trên toàn quốc nếu không thể ép buộc được Thủ tướng tạm quyền Niwatthamrong Bunsongpaisan từ chức.

Ông Niwatthamrong sẽ có một cuộc gặp gỡ tại Thượng viện vào đầu tuần tới nhằm thảo luận cách giải quyết các bế tắc chính trị, nhưng ông này vẫn khẳng định mọi giải pháp phải tuân thủ theo Hiến pháp và bất cứ hành động bổ nhiệm thủ tướng mới nào đều không thể thực hiện được nếu nó không tuân thủ luật pháp.

Ông này cũng khẳng định lại rằng Nội các tạm quyền vẫn đang thực hiện nhiệm vụ cho tới khi có một chính phủ mới theo đúng quy định của Hiến pháp. Việc quân đội tuyên bố áp dụng tình trạng thiết quân luật và sử dụng vũ lực nếu cần thiết chỉ là mong muốn khôi phục hòa bình và trật tự ngay tức thời của Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha.

Phía Thượng viện Thái Lan cho biết họ sẽ vẫn xúc tiến kế hoạch bổ nhiệm một thủ tướng mới và tiến trình này đã hoàn thành được 80%. Theo giải thích của Thượng viện Thái Lan, nước này cần phải có một thủ tướng đầy đủ quyền lực để điều hành đất nước và việc lựa chọn một thủ tướng trung lập như vậy là không thể đảo ngược.

Tuy nhiên, để Thượng viện làm được điều này thì cần phải tạo ra một khoảng trống quyền lực. Điều này có nghĩa là ông Niwatthamrong và Nội các hiện nay phải từ chức.

Trong trường hợp ngược lại, Thượng viện sẽ phải xem xét liệu có cần sự tham gia của Tòa án hiến pháp hay không hoặc Hiến pháp có thực sự cho phép họ làm như vậy không trong trường hợp Thủ tướng và Nội các không từ chức.

Theo một số chuyên gia luật pháp, Chính phủ tạm quyền hoàn toàn có đầy đủ quyền lực để xúc tiến một cuộc bầu cử và họ có thể làm như vậy kể cả khi có hay không có sự ủng hộ của Ủy ban bầu cử quốc gia.

Nhóm này đã đưa ra một điều khoản trong hiến pháp quy định rằng chỉ có Nội các mới có quyền xin sắc lệnh của Hoàng gia để tổ chức bầu cử chứ không phải là Ủy ban bầu cử. Việc Ủy ban bầu cử muốn quy định cho phép họ hoãn bầu cử là hành động tiếm quyền và âm mưu hoãn tổ chức bầu cử.

Những chuyên gia này còn cho rằng việc tổ chức bầu chọn quyền Chủ tịch Thượng viện là phạm pháp bởi Hiến pháp quy định rõ rằng Thượng viện không thể được triệu tập khi chưa có nghị viện.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Bangkok về vấn đề này, tướng Surasit Thanadtang, Phó giám đốc Học viện quốc phòng Thái Lan, cho biết: "Trên phương diện pháp lý, hiện hoàn toàn thiếu các quy định rõ ràng về việc làm thế nào để áp dụng cho đúng luật pháp trong hoàn cảnh hiện nay. Nó cũng thể hiện việc thiếu một lập trường chung trong các diễn giải Hiến pháp. Các bên đều có thể hiểu và diễn giải theo cách riêng của họ và đây chính là vấn đề. Tuy nhiên, có một điều rõ ràng trong Hiến pháp đó là không có một tổ chức nào hay cơ quan nào có thể lựa chọn được chính phủ không thông qua bầu cử. Việc những người biểu tình đòi có một chính phủ bổ nhiệm là không thể được chấp nhận theo Hiến pháp"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục