Chống “đại dịch thông tin:” Chủ động cung cấp thông tin chính thống

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19), còn có một đại dịch khác, đó là “đại dịch thông tin.”
Trang Facebook Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp hiện có hơn 106.000 thành viên, khi đăng tải các về phòng chống dịch COVID-19 luôn nhận được hàng nghìn lượt tương tác, phản hồi của người dân. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Trang Facebook Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp hiện có hơn 106.000 thành viên, khi đăng tải các về phòng chống dịch COVID-19 luôn nhận được hàng nghìn lượt tương tác, phản hồi của người dân. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Từ tháng 2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố rằng song hành cùng đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19), còn có một đại dịch khác, đó là “đại dịch thông tin” (infodemic), gây ra mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại thành phố Đà Nẵng, kế hoạch ngăn chặn “đại dịch thông tin” đã được triển khai ngay từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về các kinh nghiệm, biện pháp tăng cường thông tin chính thống và phòng, chống tin giả của thành phố Đà Nẵng.

Bài 1: Chủ động cung cấp thông tin chính thống

“Thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch về diễn biến dịch” là một trong những trọng tâm của Kế hoạch triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành. Chính quyền thành phố đã áp dụng hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội để đưa các thông tin, quy định, chính sách đến người dân nhanh nhất.

Chủ động đưa thông tin đến người dân

Là mẹ của 4 con nhỏ, chị Trương Vũ Thùy Trang (Đường 2 tháng 9, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) rất quan tâm về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố mình sống. Để có thêm thông tin chính xác, hữu ích nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, chị thường xuyên cập nhật qua trang thông tin của Bộ Y tế, các cơ quan báo, đài chính thống và một số trang mạng xã hội đáng tin cậy.

Chị Thùy Trang cho biết, công việc bản thân hiện nay hoạt động chủ yếu trên trang mạng Facebook, nên chị thường xuyên cập nhật các thông tin ngay trên mạng xã hội này. Tuy tốc độ truyền tin nhanh nhưng mạng xã hội có nhiều tin thật, giả lẫn lộn, nên chị chỉ tin tưởng thông tin trên các trang Facebook chính thống, có kiểm duyệt, như “Cổng thông tin Điện tử Đà Nẵng,” “Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp,” “Báo Đà Nẵng."

“Khi vào các trang mạng này, người dân có thể cập nhật ngay các thông báo, văn bản mới nhất của chính quyền để thực hiện nhanh trong thời gian phòng, chống dịch bệnh. Nhiều thông tin gần gũi, thiết yếu với người dân thành phố được cập nhật liên tục như thời gian nghỉ học của các con, các loại hàng hóa thiết yếu được phép bán, các quy định trong thời gian giãn cách xã hội, các điểm phát khẩu trang, đồ ăn miễn phí cho người nghèo... Trong thời buổi hiện nay, bên cạnh các kênh tuyên truyền chính thống, việc các cấp chính quyền sử dụng mạng xã hội như một kênh tuyên truyền sẽ dễ dàng tiếp cận người dân hơn.” - Chị Thùy Trang nhận xét.

[Báo chí là lực lượng trực tiếp xung trận trong phòng chống COVID-19]

Ra đời từ năm 2013, trang Facebook “Đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi-Xanh-Sạch-Đẹp” hiện đã có hơn 106.000 thành viên là người dân Đà Nẵng, được quản lý bởi các admin là cán bộ văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố và các sở, ngành... Các bài viết về phòng, chống dịch COVID-19 góp phần tuyên truyền chủ trương của thành phố luôn nhận được hàng nghìn lượt tương tác, bình luận và cũng là nơi ghi nhận các ý kiến đóng góp, phản hồi của người dân.

Tổng đài Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng - 1022 (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng) cũng đã hoàn thành việc thiết lập kênh cung cấp thông tin tự động về các khuyến cáo của cơ quan chức năng về cách phòng tránh dịch COVID-19 đồng thời, đây cũng là kênh giúp người dân có thể chủ động phản ánh các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch của thành phố.

Từ ngày 23/1 đến nay, Tổng đài 1022 đã cung cấp thông tin qua tin nhắn cho gần 1.000.000 tài khoản Zalo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; cung cấp gần 700.000 lượt thông tin cho người dùng mạng xã hội Facebook và gửi tin nhắn tự động từ chatbot Tổng đài 1022; tiếp nhận, hướng dẫn và cung cấp thông tin cho gần 600 lượt yêu cầu liên quan đến dịch COVID-19.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí

Bên cạnh việc cung cấp thông tin trực tiếp tới người dân, chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng sử dụng mạng xã hội như một cầu nối để kịp thời trao đổi thông tin với các cơ quan báo chí. Trang Facebook “Báo chí Đà Nẵng” được quản trị bởi Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, là một nhóm có trên 330 thành viên gồm các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố. Tất cả các thông tin, diễn biến, số liệu thống kê mới nhất về dịch COVID-19 đều được liên tục đăng lên để cung cấp kịp thời, đồng bộ cho tất cả các cơ quan truyền thông.

Chỉ tính riêng trong đợt tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 này, phóng viên Võ Văn Dũng (Cơ quan thường trú TTXVN tại Đà Nẵng) đã thực hiện hơn 100 tin, bài, ảnh báo chí trên các ấn phẩm của TTXVN.

Chống “đại dịch thông tin:” Chủ động cung cấp thông tin chính thống ảnh 1Các thành viên Ban chỉ đạo chống dịch chủ động phối hợp, cung cấp thông tin cho báo chí để mang lại thông tin nhanh và chuẩn xác nhất cho người dân. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Theo anh Võ Văn Dũng, trong thời gian “chống dịch như chống giặc” này, phóng viên phải luôn sẵn sàng “trực chiến”, tìm kiếm nguồn tin bằng nhiều cách. Các thông tin cập nhật, số liệu thay đổi liên tục, nên việc cơ quan chức năng Đà Nẵng sử dụng mạng xã hội để cung cấp các văn bản, thông tin chuẩn xác, kịp thời cho các cơ quan báo chí là rất hữu ích. Qua đó, các phóng viên có thể kiểm chứng, kết hợp với các nguồn tin khác để cung cấp những tin, bài khách quan, trung thực cho độc giả.

Anh Lê Phi, Trưởng Văn phòng khu vực Miền Trung, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh nhận định thời gian qua, chính quyền Đà Nẵng đã chủ động thông tin tuyên truyền về dịch bệnh khá hiệu quả. Một số trang Facebook có lượng thành viên lớn được Đà Nẵng tận dụng tối đa để tuyên truyền cho người dân. Các bản tin, văn bản, số liệu cũng được chủ động, thường xuyên cung cấp cho các cơ quan báo chí. Việc cung cấp thông tin chính thức, chính thống rất cần nhanh, chính xác và chủ động hơn nữa, tránh tình trạng thiếu thống nhất trong công tác thông tin tuyên truyền, khi có nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Phượng, Tổ Công tác thông tin báo chí luôn nỗ lực để kịp thời cung cấp các văn bản mới của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và các sở, ngành cho các cơ quan báo chí, với hơn 70 lượt thông tin văn bản và 12 bản tin. Các cơ quan báo chí cũng đã đồng hành, hỗ trợ rất lớn cho công tác phòng, chống dịch của thành phố, từ ngày 23/1 đến nay đã có trên 2.600 tin, bài của báo chí phản ánh liên quan công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng.

“Bên cạnh đó, thông qua trang mạng xã hội cung cấp thông tin của Sở, các nhà báo, phóng viên cũng đã trao đổi, chia sẻ, đóng góp ý kiến về công tác phòng, chống dịch tại Đà Nẵng. Sở đã tập hợp lại, tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, các sở, ngành liên quan để có những chỉ đạo phù hợp trong công tác phòng, chống dịch của đơn vị, địa phương. Trong thời gian tới, để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi rất cần các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục đồng hành, góp sức với thành phố Đà Nẵng” – bà Nguyễn Thị Phượng cho biết./. 

Bài 2: Quyết liệt ngăn chặn tin giả

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục