Chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống rét cho gia súc, gia cầm

Trong những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp và giá lạnh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đề kháng của đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Không khí lạnh kéo dài khiến thời tiết ở nhiều vùng của tỉnh Vĩnh Phúc giảm mạnh, ảnh hưởng đến các loại vật nuôi của nông dân trên địa bàn.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại với vật nuôi, tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh chủ động theo dõi bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp tỉnh.

Vĩnh Phúc hiện có trên 121.500 con trâu, bò; hơn 11 triệu con gia cầm và hơn 425.000 con lợn. Trên địa bàn tỉnh, huyện Vĩnh Tường chăn nuôi khá phát triển, toàn huyện Vĩnh Tường hiện có 26.310 con trâu, bò; trong đó có 12.550 con bò sữa, 57.830 con lợn...

Trong những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp và giá lạnh kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng đề kháng của đàn vật nuôi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh nguy hiểm.

Để phòng chống rét cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã có công văn đề nghị ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi, thủy sản; tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Nhờ đó, từ đầu mùa rét đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra hiện tượng đàn vật nuôi bị chết do đói, rét.

[Khẩn trương phòng chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi ở vùng cao]

Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã tăng cường cán bộ về cơ sở kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm. Điển hình như huyện Tam Đảo, Vĩnh Tường... tăng cường cán bộ về các địa bàn chăn nuôi phát triển để kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh và hỗ trợ các xã biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố, tu sửa, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm ướt nền chuồng; dự trữ củi, trấu để đốt sưởi; chế biến thức ăn ủ chua, các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc.

Đồng thời, ngành yêu cầu các hộ dân, nhất là các hộ dân ở các  xã đồi núi chủ động đưa trâu, bò thả rông trong rừng, núi về nuôi nhốt, có che chắn đảm bảo đủ ấm; không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C.

Trong những ngày rét đậm, rét hại, tăng lượng thức ăn tinh, bổ sung vitamin và chất điện giải để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo hướng dẫn của thú y. Người dân cần tận dụng triệt để thức ăn xanh từ các loại cây trồng để tăng nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.

Vĩnh Phúc cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi thủy sản cần thu hoạch sớm đối với một số loài cá chịu rét kém khi đạt kích cỡ thương phẩm như cá chim trắng, cá rô phi… Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân duy trì mực nước ao nuôi trên dưới 2m; duy trì màu nước để hấp thụ tối đa nhiệt độ từ ánh sáng Mặt trời  đào hố trong ao (có độ sâu từ 2-3m, rộng từ 2m2 trở lên) ở nơi khuất gió để cho cá rút xuống trú rét.

Người nông dân cũng cần chủ động làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nylon màu sáng để ngăn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt độ cho nước ao nuôi và khi trời có nắng sẽ tăng khả năng tiếp thu năng lượng bổ sung nhiệt cho ao.

Bên cạnh những biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành việc tiêm phòng các loại vắcxin cho đàn gia súc, gia cầm để tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm thiểu tối đa dịch bệnh thường phát sinh.

Cùng với đó, thường xuyên cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp chăm sóc vật nuôi, kịp thời phát hiện, thông báo tới cán bộ thú y cơ sở khi đàn gia súc, gia cầm bị ốm, mắc bệnh để cách ly, điều trị, không để lây lan ra diện rộng.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2021, hiện nay ở Vĩnh Phúc có hàng ngàn hộ gia đình chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm chuẩn bị đến thời kỳ xuất chuồng nhưng hiện gặp thời tiết giá lạnh kéo dài nên không ít hộ đang lo ngại thời tiết làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh.

Việc tăng cường các biện pháp giúp đỡ nông dân phòng chống rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và thường xuyên theo dõi, bám sát địa bàn cơ sở là việc làm rất cần thiết, khiến bà con yên tâm hơn trong sản xuất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục