"Chủ nghĩa dân tộc” trong sản xuất vắcxin đại trà ngừa COVID-19

Có thể xảy ra một cuộc canh tranh địa chính trị giữa các nước nhằm có được nguồn cung vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2, bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích to lớn về chính trị và kinh tế.
Vắcxin phòng chống dịch COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Novavax ở Rockville, Maryland, Mỹ, ngày 20/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều hãng dược phẩm lớn trên thế giới sắp sở hữu vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện đang tìm cách né lệnh cấm xuất khẩu để có thể sản xuất đại trà vắcxin mới này trên khắp các châu lục.

Điều này diễn ra trong bối cảnh có nhiều tín hiệu cho thấy có thể xảy ra một cuộc canh tranh địa chính trị giữa các nước nhằm có được nguồn cung vắcxin mang tính chất đột phá về khoa học này, bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích to lớn về chính trị và kinh tế.

Theo tờ Wall Street Journal số ra ngày 27/5, xu hướng cạnh tranh vắcxin của các nước đã khiến nhiều chuyên gia sức khỏe cộng đồng mô tả đây là “chủ nghĩa dân tộc vắcxin” bởi cả thế giới giờ đây đều theo đuổi để có được vắcxin ngừa SARS-CoV-2 và đều mong muốn người dân nước mình phải được tiêm chủng trước.

[Các hãng dược phẩm chạy đua tìm kiếm vắcxin phòng ngừa COVID-19]

Giờ đây, nước nào sản xuất được vắcxin SARS-CoV-2 trước tiên thì cũng giành được ngôi vị chiến thắng không khác gì dấu ấn lịch sử lần đầu tiên đưa người lên Mặt Trăng.

Nước nào sản xuất được vắcxin đầu tiên cũng sẽ đưa nền kinh tế nước đó bứt phá trước các nước khác nhiều tháng và có quyền lựa chọn sẽ cho phép nước đồng minh nào của mình được nhập vắcxin.

Điều đó khiến sự hồi phục nền kinh tế toàn cầu phải xoay quanh tốc độ sản xuất dược phẩm của họ.

Chính phủ nhiều nước châu Âu và châu Á đã phát đi thông điệp không rõ ràng về khả năng họ có định giữ riêng cho mình vắcxin SARS-CoV-2 sản xuất tại nước của họ hay không.

Tuy nhiên, hầu hết các hãng dược hàng đầu đang phát triển vắcxin đều dự đoán rằng khi một loại vắcxin chứng minh được tính hiệu quả thì các nước sẽ lập tức cấm xuất khẩu, giống như tình trạng đã từng xảy ra đối với mặt hàng khẩu trang phẫu thuật hoặc các thuốc thử nghiệm khác.

Để tránh tình trạng vắcxin sẽ bị kẹt không được xuất khẩu, nhiều hãng lớn như Johnson & Johnson và Moderna đang xúc tiến xây dựng các nhà máy sản xuất vắcxin ở nhiều châu lục khác nhau.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị rằng ngay khi vắcxin được điều chế thành công thì những liều vắcxin đầu tiên cần phải được gửi tới cho đội ngũ y bác sỹ trên đầu tuyến chống dịch ở khắp nơi trên thế giới, sau đó là cung cấp cho những người cần nhất ở các nước.

Ông Ken Frazier, Giám đốc công ty Merck & Co. Inc., một công ty vừa công bố ngày 26/5 rằng đang phát triển hai loại vắcxin ngừa SARS-CoV-2 mới, bày tỏ đồng tình với quan điểm của WHO, bởi ông cho rằng nếu không đảm bảo tiêm chủng cho cả thế giới thì cũng không ai được an toàn cả.

Thế nhưng, tiêm chủng toàn cầu là việc chưa có tiền lệ và nguồn cung cũng không thể đủ để có thể làm như vậy.

Lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu cùng với Quỹ Bill & Melinda Gates đã quyên góp được 8 tỷ USD để có thể giải quyết được bài toán hóc búa này.

Vaccine phòng chống dịch COVID-19 của công ty dược phẩm Sinovac ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 16/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Đầu tháng Năm, Ủy ban châu Âu đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến toàn cầu, trong đó 43 nguyên thủ các nước đã bàn bạc về việc sẽ sản xuất vắcxin như thế nào, cũng như làm sao để cung cấp vắcxin cho hàng tỷ người ở các nước nghèo.

Tuy nhiên, những nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ lại không tham gia sự kiện này. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường dự kiến sẽ phát biểu tại sự kiện, nhưng rồi lại thay đổi ý định chỉ trước đó vài giờ.

Chuyên gia David Heymann thuộc chương trình Sức khỏe Toàn cầu Chatham House tại London đồng thời cũng là một cựu quan chức của WHO cho rằng sẽ rất thú vị khi quan sát diễn biến tình hình sẽ như thế nào sau khi một nước sản xuất thành công vắcxin ngừa SARS-CoV-2.

Ông cho rằng: “Hầu hết chính phủ các nước sẽ đảm bảo người dân nước họ phải được dùng vắcxin đầu tiên nếu vắcxin đó được sản xuất ở nước họ.”

Hiện trên thế giới có hơn 100 loại vắcxin ngừa SARS-CoV-2 đang trong quá trình phát triển và khoảng 10 loại đang được thử nghiệm trên người, trong đó có tới 5 loại của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố gần đây rằng vắcxin do Trung Quốc bào chế và sản xuất sẽ phục vụ cho dân chúng toàn cầu.

Thế nhưng, cùng thời điểm đó, ông Wang Hui, một lãnh đạo tập đoàn Sinopharm Group Co., Ltd vốn có ba công ty con đang phát triển 3 trong 5 loại vắcxin của Trung Quốc, lại đề xuất rằng vắcxin do công ty của ông sản xuất nên ưu tiên cho người Trung Quốc trước, nhất là cho đội ngũ các y, bác sỹ.

Tại Ấn Độ, một trong những nơi sản xuất vắcxin lớn nhất trên thế giới, các hãng dược đang vận động để mong chính phủ có chính sách kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo cho người Ấn Độ được tiêm chủng trước tiên, giống như khi nước này thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine.

Hôm 25/5 vừa qua, hãng Novavax Inc có trụ sở tại Maryland, Mỹ, cho biết đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắcxin do họ bào chế. Công ty này hy vọng có thể sản xuất được vắcxin cho nhiều thị trường ở nhiều lục địa khác nhau.

Giám đốc công ty, ông Staley Erck cho biết nếu mọi chuyện suôn sẻ, công ty sẽ sản xuất 100 triệu liều vắcxin vào khoảng cuối năm nay.

Công ty Novavax đang tính tới khả năng Tổng thống Trump sẽ khởi động Đạo luật Sản xuất Quốc phòng nhằm giữ vắcxin cho riêng nước Mỹ cho nên hiện công ty đang tìm cách để có thể sản xuất vắcxin cả ở bên ngoài nước Mỹ, Giám đốc Erck cho biết.

Tại Mỹ, chính quyền liên bang đã chi 2 tỷ USD cho 4 hãng dược sản xuất vắcxin ngừa SARS-CoV-2, nhưng tất cả các hãng này, Johnson & Johnson, Moderna Inc., AstraZeneca Plc và Sanofi SA đều chưa thể cho ra sản phẩm, ít nhất là trong vài tháng tới.

Hầu hết các hãng đang phát triển vắcxin của Mỹ đều đã cam kết khi nhận tài trợ hoặc cam kết riêng rằng chỉ sản xuất trong nước Mỹ. Tuy nhiên, một số hãng như Johnson & Johnson cũng đang tính cách để có thể đồng thời sản xuất ở châu Âu.

Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh Tiên tiến của Mỹ (BARDA) đã cấp 483 triệu USD cho hãng dược Moderna phát triển và sản xuất đại trà vắcxin.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5/2020 tuyên bố sẽ điều động quân đội để phân phối vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, Giám đốc công ty Moderna, ông Stéphane Bancel, cho biết hợp đồng ký với BARDA không có điều khoản nào yêu cầu chỉ được cung cấp sản phẩm trong nước Mỹ.

Công ty Moderna hiện cũng đang hợp tác với công ty Lonza Ltd của Thụy Sĩ nhằm mở rộng sản xuất vắcxin và dự tính sẽ sản xuất vắcxin tại một nhà máy nữa ở Thụy Sĩ.

Chính phủ nước Anh hiện cũng đã chi ít nhất 79 triệu USD cho dự án sản xuất vắcxin do hãng dược AstraZenneca phối hợp với trường Đại học Oxford nghiên cứu.

Người dân nước Anh sẽ là những người được tiêm chủng đầu tiên khi 30 triệu liều vắcxin đầu tiên của dự án này được đưa ra thị trường vào tháng Chín tới.

Tuần vừa qua, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ chi tới 1,2 tỷ USD cho AstraZeneca để sản xuất 300 triệu liều vắcxin riêng cho nước Mỹ.

Theo ông Richard Hatchett, Giám đốc một tổ chức phi lợi nhuận tham gia tài trợ các dự án nghiên cứu vắcxin ngừa SARS-CoV-2 có trụ sở tại Oslo, Na Uy, các công ty sản xuất vắcxin đều cảm thấy có nghĩa vụ cung cấp vắcxin cho người dân ở nước mà họ đặt nhà máy hay cơ sở sản xuất, cho nên không chỉ riêng Mỹ muốn ưu tiên cho người dân Mỹ mà đây là tình trạng xảy ra trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục