Chủ tịch EC "đánh phủ đầu" tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo EU-Anh

Ngay khi khai mạc hội nghị không chính thức tại Salzburg (Áo) , Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã "dội gáo nước lạnh" với tuyên bố thẳng thừng rằng thỏa thuận Brexit vẫn “xa vời.”
Lãnh đạo các nước thành viên EU dự hội nghị thượng đỉnh không chính thức ở Salzburg, Áo ngày 19/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, cuộc gặp không chính thức tại Salzburg (Áo) trong hai ngày 19-20/9 là dịp đầu tiên để Thủ tướng Anh Theresa May đối thoại trực tiếp với các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi EU - Brexit, thay vì phải đàm phán thông qua trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier.

Dù London hy vọng điều này sẽ mang lại tiến triển cho cuộc đàm phán "ly hôn" giữa hai bên, song ngay khi khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đã "dội gáo nước lạnh" với tuyên bố thẳng thừng rằng thỏa thuận Brexit vẫn “xa vời.”

[EU nhấn mạnh kế hoạch Brexit của Anh cần phải điều chỉnh]

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cũng cảnh báo đề xuất của Anh liên quan đến vấn đề biên giới Ireland và mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU cần phải được xem xét lại và tiếp tục đàm phán. Theo ông, Anh cần thay đổi quan điểm về một số vấn đề quan trọng và hiện có nhiều kịch bản cho Brexit, không loại trừ kịch bản Brexit “không thỏa thuận.”

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhấn mạnh EU "sẵn sàng thỏa hiệp, song cũng muốn Anh làm điều này." Ông nêu rõ: “Chúng tôi đang nỗ lực để đi đến một sự nhượng bộ. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đang làm rất tốt và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ông ấy. Ông Barnier đã tiến một bước tới phía Anh. Giờ chúng tôi hy vọng Anh sẽ sẵn sàng nhượng bộ để có thể đem lại một thỏa thuận.”

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel hy vọng đối thoại giữa Anh và EU diễn ra trong bầu không khí thân thiện và tôn trọng lẫn nhau.

Bất chấp tuyên bố của các nhà lãnh đạo EU, Anh tin rằng sự nhượng bộ của Thủ tướng May sẽ dần tạo ra sự linh hoạt hơn từ phía Brussels trong giai đoạn đàm phán Brexit quan trọng, từ cuộc họp Hội đồng châu Âu vào tháng 10 đến hội nghị thượng đỉnh mang tính quyết định trong tháng 11 tới. Thủ tướng May nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo EU rằng kế hoạch tạo lập một biên giới hải quan chung giữa Anh và Bắc Ireland là không “thể tin được” và bà sẽ bác bỏ đề xuất mới của ông Barnier.

Biên giới Ireland hiện là một trong những vấn đề gai góc cuối cùng trong tiến trình đàm phán Brexit. Các quan chức Chính phủ Anh cho biết Thủ tướng May sẽ không chấp nhận kế hoạch mới của ông Barnier nếu như ông vẫn khăng khăng với ý tưởng duy trì một biên giới hải quan giữa Bắc Ireland và phần còn lại của nước Anh. Sự kiên định của bà May trong vấn đề này là nguyên nhân khiến Chủ tịch EC tuyên bố rằng thỏa thuận Brexit vẫn “xa vời.” Trong khi đó, Tổng thống Litva và Thủ tướng Slovakia cho rằng đã không có tiến triển nào đạt được về Brexit và biên giới Ireland và 27 nước thành viên còn lại của EU sẽ bàn thảo vấn đề này trong ngày 20/9.

Ngoài những ngôn từ cứng rắn ám chỉ sẽ không có sự thỏa hiệp từ cả hai phía, cũng có một số dấu hiệu khác nữa cho thấy hai bên khó có thể để đi tới một thỏa thuận trong mùa Thu này. Thủ tướng May nêu rõ quan điểm là sẽ không có cuộc trưng cầu ý dân lần hai ở Anh và khẳng định nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019 cho dù có đạt được thỏa thuận hay không.

Trong khi đó, mặc dù ông Donald Tusk ca ngợi sự cải thiện về lập trường của Chính phủ Anh trong những tháng gần đây cũng như những nhượng bộ trong kế hoạch Brexit của bà May được Nội các Anh thông qua tại Chequers (Anh) hồi giữa tháng 7 vừa qua, song các nhà lãnh đạo EU vẫn thể hiện sự bất đồng sâu sắc về một điểm trọng tâm trong kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, đó là việc Anh sẽ tham gia một phần Khu vực thị trường chung châu Âu, bao gồm lĩnh vực hàng hóa chế tạo và nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục