Sáng 6/6, Quốc hội thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 TPHCM; chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).
Cá thể hóa trách nhiệm đối với các dự án đặc thù
Cho ý kiến tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh 5 dự án cao tốc được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp. Với 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành tới ba phiên làm việc để quyết định các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội.
"Đây đều là các dự án cấp thiết, là động lực và có tính chất kết nối vùng. Về cơ bản, các dự án đã đạt được sự đồng thuận cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ," Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Nói về nguồn vốn thực hiện dự án, ông Huệ cũng cho biết các dự án này phải áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với quy định của luật hiện hành.
"Cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, trong khi đường song hành vành đai lại thuộc trách nhiệm của địa phương. Địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn với khoảng hơn 200.000 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, sẽ xin Quốc hội chấp thuận dùng cả vốn Trung ương và vốn địa phương cho 5 dự án tùy theo khả năng cam kết của địa phương. Tình thế đặc biệt nên cần có giải pháp đặc biệt," Chủ tịch Quốc hội nói.
Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, Chú tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần tách bạch và Chính phủ phải rà soát các nguồn đảm bảo cải cách tiền lương, điều chỉnh lương để báo cáo lên Quốc hội.
“Nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì đây là chi thường xuyên chứ không phải chi đột xuất. Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hằng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương,” Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Một cơ chế đặc thù khác được Chủ tịch Quốc hội nhắc đến là Luật Giao thông đường bộ cũng quy định quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, tỉnh lộ thuộc trách nhiệm của địa phương. Trong thời kỳ 6 dự án trọng điểm quốc gia cùng triển khai và các công trình cũ đang triển khai thì nếu chỉ riêng Bộ Bộ Giao thông Vận tải sẽ không thể "kham" được.
Do đó, việc đầu tư xây dựng các dự án này phải giao cho một số địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, riêng dự án vành đai 3 và vành đai 4 giao hẳn cho các địa phương; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối đường vành đai 3, Hà Nội là đầu mối của đường vành đai 4.
“Đã có cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho biết nghị quyết của Quốc hội sẽ thể hiện rõ nguyên tắc này.
Lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý các địa phương, bộ, ngành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ luỵ xấu, cụ thể: Trao quyền nhiều thì phải cá thể hóa trách nhiệm; chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm.
Đề cập ý kiến về cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là vấn đề luật không cho phép, vì vậy các địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
Băn khoăn nguồn lực tài chính
Đánh giá cao về hai dự án Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Minh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết ông thống nhất cơ bản với báo cáo Chính phủ song vẫn băn khoăn về vấn đề thu phí.
Theo đại biểu Trí, thời gian thu phí trong vòng 21 năm là "quá ngắn," điều này sẽ khiến không nhà đầu tư nào dám "nhảy vào" đồng thời giá thu phí 1 lần xe đi qua lại cũng sẽ rất cao, gây khó cho chủ phương tiện.
"Quan trọng trong làm đường là tiêu chí kỹ thuật, con đường phải có ''vòng đầu tư' khoảng 100 năm. Trong vòng 100 năm này, nhà đầu tư có thể thu hồi phí khoảng 30 năm. Với 30 năm này, nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn và phí người dân gánh mỗi lần cũng sẽ nhẹ đi rất nhiều," đại biểu đoàn Hà Nội cho hay.
Liên quan huy động vốn đầu tư cho các dự án này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng việc kết hợp giữa nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương là cần thiết, bởi đây đều là các dự án kết nối vùng có tầm quan trọng cao, có tác động mạnh đến việc tạo ra các nguồn lực cho các khu vực liền kề.
Do đó, theo đại biểu, cần phải khai thác các nguồn lực đó để tạo ra nguồn vốn cho các tuyến đường này và việc khai thác sẽ thuộc trách nhiệm của các địa phương có tuyến đường đi qua để góp vào nguồn vốn đầu tư chung.
Riêng về dự án Vành đai 4, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh Hà Nội không chỉ là một thành phố lớn mà còn là Thủ đô của cả nước, đặc biệt Hà Nội còn là vùng Thủ đô cho rất nhiều tỉnh. Vì vậy, việc phát triển dự án đường Vành đai 4 không chỉ giải quyết vấn đề của Hà Nội mà còn tạo tính liên vùng trong vùng thủ đô.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng nguồn vốn đầu tư phải đa dạng, chứ không nên tập trung đầu tư một nguồn vốn, đặc biệt phải tập trung khai thác những nguồn lực sẽ hình thành khi đường Vành đai 4 được triển khai. Về tổng mức đầu tư, đơn vị chủ quản cần phải tính toán thật chặt chẽ, chính xác, tránh tình trạng dự toán quá thấp đến lúc triển khai không đủ vốn, dự án bị đình trệ; hoặc dự toán quá cao thì có thể dẫn đến chuyện quản lý không chặt chẽ, sẽ bị thất thoát./.