Theo Tân Hoa xã/AFP, chiều 7/11, tại khách sạn Shangri-La ở Singapore, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt tay người đứng đầu chính quyền Đài Loan, ông Mã Anh Cửu trong cuộc gặp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo của hai bờ Eo biển Đài Loan kể từ năm 1949, trước khi bước vào cuộc hội đàm kín.
Sự kiện trên mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan.
Hàng trăm nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới đã chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này. Sau cuộc gặp trên, hai bên dự kiến sẽ có các cuộc họp báo riêng cùng ngày.
Phát biểu trước cuộc gặp lịch sử này, ông Mã Anh Cửu đã bày tỏ cam kết củng cố hòa bình và đẩy mạnh hợp tác giữa hai bờ Eo biển Đài Loan.
Giới quan sát nhận định cuộc gặp quan trọng này có thể thiết lập một giai đoạn mới cho quan hệ giữa hai bờ eo biển trong nhiều năm tới.
Ngay trước thềm cuộc gặp, cả hai bên đều khẳng định hòa bình và hợp tác qua eo biển sẽ là nội dung chính của chương trình nghị sự lần này và ông Mã Anh Cửu cũng hy vọng rằng cuộc gặp với ông Tập Cận Bình sẽ là bước khởi đầu quan trọng hướng tới việc chính thức hóa kênh đối thoại này trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, theo tờ Straits Times của Singapore, thủ lĩnh Đảng Dân Tiến Đài Loan (DPP) đối lập đồng thời là ứng cử viên tổng thống của hòn đảo này, bà Thái Anh Văn trong một phát biểu cho hay cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan là khá “nhạy cảm” đồng thời nhấn mạnh rằng “nếu không có một cấu trúc hoàn chỉnh, cây cầu nối này khó có thể ổn định.”
Cấu trúc được bà Thái Anh Văn đề cập tới chính là sự tương đồng giữa các nhà lãnh đạo, tính binh mạch và các điều kiện phi chính trị. Đây được coi là tuyên bố khá “dịu giọng” của phe đối lập khi trước đó đảng này đã có lời chỉ trích cuộc họp này là "không thể chấp nhận" đối với Đài Loan và ông Mã Anh Cửu không được ủy quyền để tham gia đàm phán./.