Chủ tịch UB bầu cử Hà Nội đánh giá nhanh về kết quả bầu cử

Chủ tịch Ủy ban bầu cử Hà Nội đánh giá nhanh về kết quả bầu cử

Tính đến 16 giờ ngày 22/5, thành phố Hà Nội có trên 90% cử tri đi bầu cử, trong đó có nhiều quận, huyện có kết quả tốt gần 100%, có 578 khu vực bỏ phiếu đạt 100%.
Cử tri bỏ phiếu bầu cử tại tại điểm bỏ phiếu số 3, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Hà Nội là địa phương có số điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp lớn nhất cả nước với 4.874 điểm.

Gần đến giờ kết thúc cuộc bầu cử, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về những vấn đề liên quan.


- Bà có thể đánh giá nhanh về kết quả bầu cử lần này?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Tính đến 16 giờ ngày 22/5, thành phố Hà Nội có trên 90% cử tri đi bầu cử, trong đó có nhiều quận, huyện có kết quả tốt gần 100%, có 578 khu vực bỏ phiếu đạt 100%.

Tính đến thời điểm này có thể đánh giá, cuộc bầu cử rất thành công, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn rất tốt. Các điểm bầu cử, do cán bộ được tập huấn nắm vững quy định về bầu cử nên mặc dù điểm bỏ phiếu nhiều nhưng chưa có một đơn vị nào vi phạm luật hoặc làm sai quy chế, dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại trong nhân dân.

Cuộc bầu cử đã thực sự là ngày hội lớn của toàn dân, khắp mọi nơi tưng bừng, cử tri hân hoan phấn khởi khi được cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Không những ở nơi trung tâm nội thành, mà khắp các xã, phường, thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, các điểm bỏ phiếu đều được trang hoàng đẹp đẽ, rực đỏ cờ hoa, tạo sự phấn khởi, trang trọng thu hút được đông đảo cử tri tham gia.

- Bà có thể cho biết về những kinh nghiệm để Hà Nội đạt được sự thành công trên?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Thành phố Hà Nội có rất nhiều lợi thế, được Trung ương, các bộ, ban ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao, nên các chủ trương đường lối được thành phố nắm bắt triển khai sớm. Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc cũng được thành phố sớm đề xuất lên cấp trên nên kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Mặt khác, thành phố luôn coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng, chỉ đạo liên tục, thường xuyên, tạo sự đồng bộ trong điều hành thực hiện, nhất là sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu và hệ thống chính quyền các cấp.

Thành phố phân công rõ người, rõ việc và quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị, nên nhìn chung sự vào cuộc khá nhanh và chuẩn xác. Hà Nội đã rà soát tình hình an ninh trật tự, an ninh nơi địa bàn bầu cử để có hướng chỉ đạo, giải quyết những vấn đề tồn đọng từ lâu hoặc mới phát sinh. Từ đó, khoanh vùng tập trung chỉ đạo tốt hơn những điểm nóng, cũng như những nơi bố trí cán bộ còn chưa hợp lý.

Vì vậy, qua tổng hợp tình hình trong ngày bầu cử, những điểm được đánh giá là phức tạp lại có kết quả rất tốt, là một thành công lớn và điều quan trọng là thành phố luôn được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo nhân dân Thủ đô.

- Hà Nội có địa bàn rộng, có cả vùng sâu, vùng xa, trình độ dân cư chưa đồng đều, vậy thành phố đã làm gì để hóa giải vấn đề trên, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trước một thực trạng khó khăn như vậy, Hà Nội coi công tác tuyên truyền là quan trọng hàng đầu, thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo về bầu cử bằng nhiều hình thức như: mời báo cáo viên Trung ương trực tiếp phổ biến những điểm mới trong Luật Bầu cử; Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho cán bộ chủ chốt khắp 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, thành phố ban hành văn bản quán triệt sâu rộng đến từng cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm chỉ đạo và lập kế hoạch báo cáo cụ thể về công tác chuẩn bị, trên tinh thần bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

- Bà có thể đánh giá về chất lượng ứng cử viên Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp lần này?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Theo quy định, cử tri Hà Nội chọn 178 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố để bầu 105 đại biểu và chọn trong 50 ứng cử viên (13 người được Trung ương giới thiệu) bầu ra 30 đại biểu Quốc hội. Chất lượng ứng cử viên Đại biểu Quốc hội rất cao, với 16 người có trình độ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ (42,10%); 11 người trình độ thạc sỹ (28,95%).

Cơ cấu thành phần cũng bảo đảm hài hòa, nữ 15 người (39,47%), tỷ lệ trẻ và ngoài Đảng đạt 7,89%; tỷ lệ dân tộc 5,26%; tỷ lệ tái cử 13,16%.

Về chất lượng đại biểu ứng cử Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đạt 15,64%; thạc sỹ 51,96%; đại học đạt 31,84% và tỷ lệ nữ đạt cao với 36,87%; tỷ lệ trẻ 12,29%; ngoài Đảng 19,55%; tỷ lệ dân tộc, tôn giáo đều đạt 1,68%.

Các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia bầu vào Hội đồng Nhân dân cấp quận, huyện, thị xã có 1.961 người; ứng cử viên đủ tiêu chuẩn tham gia bầu vào Hội đồng Nhân dân cấp xã gồm 26.874 người, trong đó tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ đạt cao.

- Để đảm bảo tốt cho cuộc bầu cử, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị cơ sở vật chất như thế nào, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: Có thể nói, việc tính toán bố trí cơ sở vật chất, tài chính cho việc bầu cử là hết sức khó khăn, trong khi ngân sách eo hẹp, để làm sao vừa đảm bảo sự trang trọng, nhưng phải tiết kiệm, văn minh. Thành phố đã chủ động sớm để các điểm bỏ phiếu có kinh phí chuẩn bị cơ sở vật chất hòm phiếu, tài liệu, các khẩu hiệu tuyên truyền, không để những việc này diễn ra muộn dẫn tới khó khắc phục khi các sai sót xảy ra.

Với tinh thần trách nhiệm cao, nhiều quận, huyện đã đầu tư đồng bộ hòm phiếu, khẩu hiệu trang trí, lập đơn vị bỏ phiếu mẫu để tạo sự đồng đều, đúng luật.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục