Chiều 16/12 vừa qua, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức họp báo công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Đây là một bộ quy định đầy đủ, toàn diện không chỉ trong phạm vi đạo đức nghề nghiệp mà còn bao gồm cả quan điểm, tư tưởng, trách nhiệm trước pháp luật và trước xã hội cùng những yêu cầu chuyên môn đối với nghề báo, nhà báo.
Có thể xem đó là một bộ tiêu chí chuẩn mực đối với những người làm báo - hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Trong nền báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng luôn trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Họ luôn nghiêm chỉnh tuân thủ Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật bản quyền và các quy định của pháp luật; luôn hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi.
Những nhà báo chân chính luôn là người bảo vệ công lý và lẽ phải, không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc; nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người, không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, bảo vệ bí mật quốc gia...
Điều này được xem là trách nhiệm cao nhất của nhà báo; đồng thời cũng là yêu cầu chuẩn mực, là nền tảng đạo đức của nghề báo, nhà báo.
Để xây dựng nền tảng đạo đức cho nền báo chí Cách mạng Việt Nam biết bao thế hệ nhà báo đã dùng ngòi bút với tài năng và phẩm giá cao đẹp, nghị lực lớn lao đi tiên phong trên mặt trận thông tin, tiến hành thắng lợi những cuộc đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, phản động, làm nổi bật lên những điển hình tốt đẹp giàu tính nhân văn, mang tính giáo dục cao, thể hiện truyền thống anh hùng, văn hóa, văn minh và đạo lý dân tộc.
Có được nền tảng đạo đức báo chí ngày càng cao sâu, vững bền như vậy là nhờ có biết bao nhà báo đã dũng cảm bước qua những cám dỗ đời thường, luôn nêu cao tinh thần “vì nghĩa quên thân,” luôn trau dồi nghề nghiệp để ngọn bút ngày càng sắc bén, tấm lòng luôn sáng trong, có tầm nhìn xa trông rộng, giành trọn tâm đức, tài năng, thậm chí cả tính mạng của mình, cho sự nghiệp báo chí cách mạng.
Đó là cách nhìn có tính phổ quát đối với nghề báo, nhà báo Việt Nam trong mỗi giai đoạn của cách mạng suốt hơn 80 năm qua.
Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xuất hiện một số người mang danh nhà báo đi ngược với con đường đạo đức nghề nghiệp chân chính đó.
Họ đã dùng mạng xã hội phát tán thông tin, bài viết trái với đường lối, quan điểm của Đảng ta, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đưa ra những bình luận độc địa, thiếu căn cứ, thiếu tính nhân văn... tác động tiêu cực vào dư luận xã hội, gây ra sự hoài nghi trong một số người vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đáng tiếc là trước những thông tin như vậy, đã có một số nhà báo có các bình luận kiểu “té nước theo mưa” hoặc a dua tán thưởng; dù chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng đã là một vết lem đối với đạo đức nghề nghiệp, tư cách nhà báo.
Chính vì vậy, trong 10 điều quy định về đạo đức nhà báo của Hội Nhà báo, riêng điều 5 quy định nhà báo phải: “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.”
Như vậy, đối với nhà báo của nền báo chí cách mạng thì “chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội” đã là một tiêu chuẩn đạo đức.
Cũng có nghĩa rằng khi một nhà báo nào đó thiếu chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội là tự tách mình ra khỏi đội ngũ những người báo trong các cơ quan báo chí hiện nay.
Họ đã không làm tròn bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là vô lương tâm và thiếu trách nhiệm của người làm báo./.