Chứng khoán châu Á hầu hết 'đỏ lửa' trong phiên đầu tuần 3/10

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Á-Thái Bình Dương như Sydney, Mumbai, Bangkok, Singapore, Jakarta và Wellington đều chìm trong "sắc đỏ."
Chứng khoán châu Á hầu hết 'đỏ lửa' trong phiên đầu tuần 3/10 ảnh 1Chỉ số Kospi của Hàn Quốc trong một phiên giao dịch. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chứng khoán châu Á hầu hết đi xuống trong phiên giao dịch đầu tuần 3/10, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ và chuẩn bị cho một mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp quý 3/2022, khiến nhiều người lo ngại sẽ càng làm nổi bật tác động của lạm phát và tình trạng lãi suất tăng cao.

Kết thúc phiên này, các thị trường chứng khoán chủ chốt của Khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Sydney của Australia, Mumbai của Ấn Độ, Bangkok của Thái Lan, Singapore, Jakarta của Indonesia và Wellington của New Zealand đều chìm trong "sắc đỏ."

Báo cáo mới đây cho thấy giá cả tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gia tăng với tốc độ cao kỷ lục vào tháng Chín vừa qua đã làm tăng thêm lo ngại rằng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ còn một chặng đường dài phía trước.

[Thị trường “đỏ lửa,” nhiều doanh nghiệp vẫn muốn “đổ bộ” lên sàn HOSE]

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Lael Brainard cho biết các quan chức Fed sẽ không rút lui quá sớm khỏi chính sách hiện tại.

Hoạt động sản xuất trên toàn Eurozone trong tháng Chín tiếp tục giảm sâu hơn trong khi khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, giá năng lượng tăng cản trở hoạt động sản xuất.

Theo khảo sát được S&P Global công bố ngày 3/10, chỉ số quản lý thu mua (PMI) của khu vực đã giảm từ mức 48,5 trong tháng 8 xuống mức 48,4 trong tháng Chín, thấp nhất trong 27 tháng qua.

Chỉ số này không chênh lệch đáng kể so với mức 48,5 ước tính sơ bộ trước đó và tiếp tục thấp hơn ngưỡng 50 phân định kinh tế tăng trưởng hay suy giảm.

Cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng cũng có thể trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là ở châu Âu, khi các báo cáo cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, đang xem xét cắt giảm sản lượng lớn do giá dầu lao dốc do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ. Giá dầu châu Á đã tăng hơn 4% trong phiên này.

Đáng chú ý, tại Trung Quốc, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ, thị trường chứng khoán Hong Kong chứng kiến mức giảm sâu, chạm mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.

Khép phiên, chỉ số Hang Seng giảm 0,83%, tương đương 143,32 điểm, đóng cửa ở mức 17.079,51 điểm. Chỉ số này đã trượt xuống dưới mức 17.000 điểm vào chiều cùng ngày, chạm mức thấp chưa từng thấy kể từ tháng 10/2011.

Trong tháng Chín, chỉ số Hang Seng đã mất 14%, xếp vào số các chỉ số hoạt động kém nhất trên toàn cầu.

Tuy nhiên, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 lại tăng 174,33 điểm, tương đương 0,67%, lên 26.111,54 điểm, nhờ hoạt động săn tìm cổ phiếu giá hời, qua đó giúp chỉ số này thoát khỏi đà giảm từ đầu phiên, sau khi cuộc khảo sát Tankan của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy tâm lý của các nhà chế tạo Nhật Bản xấu hơn dự kiến trong tháng Chín.

Cùng chung xu hướng với các thị trường thế giới, chứng khoán Việt Nam giảm mạnh phiên đầu tháng 10 và chỉ số VN-Index chính thức mất mốc 1.100 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm xuống 1.086,44 điểm, là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Khối lượng giao dịch đạt hơn 554,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 11.525,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 43 mã tăng giá, trong khi có tới 449 mã giảm giá và 34 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 12,08 điểm xuống 238,17 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 62,2 triệu đơn vị, tương ứng gần 1.142 tỷ đồng. Toàn sàn có 44 mã tăng giá, 169 mã giảm giá và 29 mã giảm giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục