Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/1, chứng khoán Nhật Bản tăng 7,2% và dẫn đầu đà phục hồi diễn ra trên nhiều thị trường chứng khoán châu Á sau khi trải qua những phiên giao dịch ảm đạm của tuần trước.
Các chuyên gia phân tích cho rằng hàng loạt số liệu kinh tế kém khả quan mới đây sẽ là động lực để các ngân hàng trung ương cân nhắc các quyết sách mới trong bối cảnh kinh tế thế giới giảm tốc và các thị trường tài chính khởi đầu Năm mới không suôn sẻ.
Sắc xanh trên thị trường châu Á nối tiếp đà tăng của chứng khoán Phố Wall và châu Âu trong phiên 12/2. Số liệu về tốc độ tăng trưởng của Đức và doanh số bán lẻ Mỹ cũng hỗ trợ xu hướng tích cực trên thị trường.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đà tăng trên sẽ không duy trì trong thời gian dài, khi thị trường vẫn không nguôi quan ngại về "sức khỏe" kinh tế toàn cầu và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc “nguội dần."
Khép lại phiên này, tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 tăng 7,2% lên 16.022,58 điểm, sau khi để mất hơn 11% trong tuần trước do ảnh hưởng của đồng nội tệ mạnh lên, trong bối cảnh các nhà giao dịch tìm đến các kênh đầu tư an toàn. Trước tình trạng kinh tế xứ sở “hoa anh đào” sụt giảm trong quý cuối cùng của năm 2015, chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được dự đoán sẽ mở rộng.
Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) ghi thêm 3,27% lên 18.918,14 điểm. Đáng chú ý, giá cổ phiếu của “người khổng lồ” ngân hàng HSBC niêm yết tại Hong Kong tăng 4% sau khi HSBC thông báo giữ nguyên trụ sở chính tại London và loại bỏ kế hoạch chuyển bộ phận đầu não về Hong Kong, bất chấp khả năng Anh có thể ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Chứng khoán Sydney và Seoul cũng tăng lần lượt 1,6% và 1,5%. Còn tại Thượng Hải, khép lại phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,63% xuống 2.746,2 điểm./.