Thị trường chứng khoán toàn cầu đã phải chứng kiến một “thứ Hai đen tối," với chỉ số Dow Jones trên Phố Wall giảm hơn 2.000 điểm và khiến thị trường này phải ngừng giao dịch khẩn cấp trong 15 phút phiên 9/3.
Tuy nhiên, sang phiên 10/3, việc giá dầu tăng đến 8% sau khi tuột dốc gần 30% vào phiên trước đó - mức giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 - đã hỗ trợ khá nhiều cho các thị trường chứng khoán châu Á.
Khép lại phiên 10/3, chỉ số Nikkei tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,85% (168,36 điểm) lên 19.867,12 điểm. Trước đó trong phiên 9/3, chỉ số này giảm hơn 5%, ghi dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2018.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng rời khỏi mức thấp của sáu tuần, sau khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực trước thông tin số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này tăng chậm lại, bên cạnh thông tin về những biện pháp kích thích kinh tế trên toàn cầu.
[Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc, dừng giao dịch trong 15 phút]
Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên này tăng 0,42% (8,16 điểm) lên 1.962,93 điểm.
Tại Trung Quốc, các thị trường chứng khoán chủ chốt cũng đồng loạt tăng điểm sau khi giảm mạnh trong phiên trước. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong phiên này tăng 1,41% (352,05 điểm) lên 25.392,51 điểm. Chỉ số Shanghai Composite cũng tiến 1,82% (53,47 điểm) lên 2,996,76 điểm.
Cũng trong phiên này, chứng khoán Sydney tăng hơn 3%, trong khi Singapore, Jakarta và Bangkok đều tiến hơn 2%. Các thị trường Manila, Taipei không nằm ngoài xu hướng tăng điểm, riêng Wellington lại giảm 1,8%.
Chứng khoán vùng Vịnh cũng ghi nhận sự phục hồi trong phiên này, với Dubai tăng 5,5%, Abu Dhabi tiến 4,2%, Kuwait và Qatar cũng tăng khá mạnh.
Tâm lý nhà đầu tư đã được hỗ trợ bởi tin tức cho hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Vũ Hán, tâm điểm của dịch COVID-19, qua đó dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc đang trên đà phục hồi kinh tế khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm.
Ngoài ra, thị trường đang đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất một lần nữa sau khi ngân hàng này có động thái tương tự vào tuần trước. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng dự kiến sẽ họp trong tuần này để thảo luận về chính sách tiền tệ.
Chuyên gia Esty Dwek, thuộc công ty quản lý đầu tư Natixis Investment Managers, cho rằng trong tình hình hiện tại, thị trường kỳ vọng sẽ chứng kiến các biện pháp kích thích kinh tế “mạnh” hơn nữa, cả về mặt tiền tệ và tài chính.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chỉ số VN - Index tăng 0,24% (2,01 điểm) lên 837,5 điểm. Toàn sàn có 204 mã tăng giá, 164 mã giảm giá và 44 mã đứng giá.
Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index giảm 0,13% (0,14 điểm) xuống 106,2 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 75 mã giảm và 52 mã đứng giá./.