Chứng khoán châu Á phục hồi trong phiên giao dịch chiều 6/9

Tuy nhiên, đà phục hồi của chứng khoán châu Á vẫn bị kìm hãm bởi lo ngại về khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, suy thoái kinh tế Trung Quốc cùng nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.
Biểu đồ chỉ số chứng khoán tại Tokyo (Nhật Bản), ngày 8/3/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Chứng khoán châu Á tăng nhẹ trong chiều 6/9, khi các thị trường cố gắng vượt lên những tổn thất của phiên ảm đạm trước đó.

Tuy nhiên, đà phục hồi vẫn bị kìm hãm phần nào bởi nỗi lo ngại về cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ của châu Âu, suy thoái kinh tế Trung Quốc cùng nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương.

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản kết thúc gần như đi ngang sau một phiên giao dịch trầm lắng. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo chỉ nhích 0,02% (tương đương 6,90 điểm) lên 27.626,51 điểm.

Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa cao hơn trong phiên 6/9, chấm dứt chuỗi giảm ba ngày liên tiếp khi giới đầu tư cá nhân mua vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn.

Họ đang lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất và khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu. Chỉ số Kospi đã tăng 0,26% (tương đương 6,34 điểm) lên 2.410,02 điểm.

Tại Trung Quốc, các thị trường chính có sự phân hóa với chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 0,12% (22,97 điểm) xuống 19.202,73 điểm do nỗi lo về triển vọng kinh tế toàn cầu.

[Chứng khoán châu Á giảm điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed]

Trong khi đó, chứng khoán Thượng Hải đã tăng mạnh với chỉ số Shanghai Composite tiến 1,36% (43,53 điểm) lên 3.243,45 điểm, sau khi chính phủ Trung Quốc công bố các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế mới.

Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng dù họ hoan nghênh các biện pháp kích thích khi đà tăng trưởng kinh tế giảm dần, giới giao dịch chỉ tìm kiếm dấu hiệu Trung Quốc sẽ nới lỏng dần chiến lược “Không COVID.”

Các thị trường Singapore, Seoul, Taipei, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng điểm.

Tuy nhiên, thị trường Sydney đã đi xuống sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) nâng lãi suất lên mức cao nhất gần tám năm và cảnh báo về “nhiều nỗi đau còn ở phía trước.” Chứng khoán Wellington cũng giảm điểm trong phiên này.

Với việc Phố Wall đóng cửa nghỉ lễ, các thị trường châu Á có rất ít chất xúc tác mới để thúc đẩy hoạt động mua vào.

Sự kiện quan trọng tiếp theo đối với các nhà đầu tư là quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 8/9 với một số nhà quan sát cho rằng ECB sẽ đưa ra mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản để kìm hãm lạm phát cao kỷ lục.

Tuy nhiên, trong khi các ngân hàng trung ương đang nâng chi phí đi vay để chống lại tình trạng giá tăng phi mã, họ có rất ít tác động đối với giá dầu - một động lực chính thúc đẩy lạm phát.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9, chỉ số VN-Index hầu như không đổi ở mức 1.277,4 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 0,45 điểm (0,15%) lên 293,27 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục