Trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu chịu áp lực do các phát biểu ủng hộ kế hoạch tăng lãi suất mạnh hơn của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), triển vọng tăng trưởng của Đông Nam Á đang khiến khu vực này trở thành “vùng trũng” hấp dẫn các nhà đầu tư.
Man Group, BNP Paribas và Credit Suisse Group nằm trong số những tập đoàn đầu tư đánh giá cao khả năng phục hồi của khu vực Đông Nam Á sau khi phát biểu mang tính “diều hâu” (thắt chặt chính sách tiền tệ) của Chủ tịch Fed Jerome Powell đã châm ngòi cho tình trạng bán tháo cổ phiếu trên nhiều thị trường lớn trên thế giới trong tuần qua. Chỉ số MSCI của các thị trường ASEAN có kết quả tốt hơn nhiều so với chỉ số MSCI Asia Pacific của thị chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản), và dự kiến sẽ vượt trội hơn so với các chỉ số chứng khoán toàn cầu trong quý thứ ba liên tiếp.
Chứng khoán Đông Nam Á có phần “sáng sủa” hơn phần còn lại của thế giới là do các nền kinh tế khu vực đã mở cửa trở lại sau đại dịch, đón chào một lượng lớn khách du lịch. Bên cạnh đó, nhu cầu nội địa bùng nổ đang giúp bảo vệ các nền kinh tế khu vực khỏi ảnh hưởng của tình trạng kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.
Và với sự thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, triển vọng của khu vực có vẻ hứa hẹn hơn so với hầu hết các thị trường khác đang bị thắt chặt do tiêu thụ chậm lại và chi phí tăng lên.
Joshua Crabb, người đứng đầu về chứng khoán khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty quản lý tài sản Robeco Hong Kong (Trung Quốc), cho biết “nhu cầu bị dồn nén” là rất nhiều. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đang chảy vào Đông Nam Á, các nền kinh tế đang mở cửa trở lại và câu chuyện cơ cấu dài hạn là khá tích cực. Thị trường chứng khoán khu vực đã rất linh hoạt khi đối mặt với những yếu tố thường dẫn đến xu hướng bán tháo mạnh mẽ.
Theo ước tính của Bloomberg, hầu hết các nền kinh tế lớn nhất trong khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng ít nhất 5% trong năm nay, với việc loại bỏ các hạn chế sau đại dịch đã mang lại sự thúc đẩy quan trọng. Ví dụ, Malaysia đã tăng hơn gấp đôi số lượng khách du lịch mà nước này đặt mục tiêu trong năm nay, trong khi đó, Thái Lan dự kiến sẽ thu về 11 tỷ USD từ lượng khách du lịch nước ngoài tăng đột biến trong nửa cuối năm nay.
Triển vọng sáng của khu vực Đông Nam Á hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc. Siêu đô thị Thành Đô vừa bị phong tỏa đã “phủ bóng đen” lên nền kinh tế của nước này và các thị trường Bắc Á vốn phụ thuộc vào xuất khẩu.
Manishi Raychaudhuri, trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tập đoàn ngân hàng BNP Paribas (Pháp), cho biết họ vẫn tập trung vào thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á. Những nền kinh tế này không chỉ tăng trưởng tốt về kinh tế thời kỳ hậu COVID-19 mà còn tăng trưởng mạnh về ước tính thu nhập
[Chứng khoán châu Á giảm điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed]
Các nhà chiến lược của ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) cũng có quan điểm tương tự khi đánh giá cao khu vực ASEAN, với thị trường yêu thích của họ là Thái Lan.
Cơ cấu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Đông Nam Á, với tỷ trọng cổ phiếu công nghệ thấp trong khi tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng tương đối cao, cũng thuận lợi trong môi trường lãi suất toàn cầu tăng. Tuy nhiên, khu vực này không thể tránh khỏi những rủi ro toàn cầu phát sinh từ việc đồng USD tăng giá làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty và việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ khiến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia theo dõi thị trường nhận định rằng bối cảnh hiện nay sẽ khác với giai đoạn “di cư” của các quỹ nước ngoài vào năm 2013 do các nền kinh tế của Đông Nam Á đã mạnh mẽ hơn. Đầu tư ròng của các quỹ toàn cầu vào khu vực này (không bao gồm Singapore) tính đến thời điểm hiện tại là 2,4 tỷ USD, theo dữ liệu của Bloomberg.
Và trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương toàn cầu đã buộc phải thắt chặt chính sách khi đối mặt với lạm phát tăng vọt, tình hình ít nghiêm trọng hơn ở Đông Nam Á. Indonesia, với thị trường chứng khoán nước này nằm trong số những thị trường hoạt động tốt nhất thế giới trong năm nay, chỉ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 8/2022./.