Trong phiên giao dịch 1/9, hầu hết các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lạm phát và suy thoái, và thêm một thành phố lớn khác của Trung Quốc bị phong tỏa để phòng dịch.
Các thị trường chứng khoán Frankfurt, London và Paris đóng cửa giảm từ 1,5-2% do lạm phát khu vực đồng euro cao kỷ lục làm dấy lên lo ngại rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn nữa ngay cả khi khu vực này phải đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Anh) giảm 1,9% xuống 7.148,50 điểm. Chỉ số DAX tại thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) cũng mất 1,6% và đóng cửa ở mức 12.630,23 điểm. Thị trường chứng khoán Paris ghi nhận chỉ số CAC 40 giảm 1,5% xuống 6.034,31 điểm.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ công bố động thái tiền tệ mới vào cuộc họp ngày 8/9 tới, sau khi quyết định tăng lãi suất đầu tiên trong một thập kỷ vào tháng Bảy.
Nhà phân tích Fawad Razaqzada của công ty dịch vụ tài chính City Index cho biết: “Các nhà đầu tư có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trở nên tồi tệ hơn."
[Thị trường chứng khoán Phố Wall hồi hộp chờ đợi tháng 9 khó đoán định]
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các nhà đầu tư vẫn chú ý đến chính sách tiền tệ của Mỹ, với dữ liệu việc làm tháng Tám sẽ được công bố trong ngày 2/9, dự kiến sẽ củng cố cam kết tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Các nhà phân tích kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm 300.000 việc làm mới trong tháng Tám và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,5%.
Art Hogan, giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lý tài sản B Riley Wealth Management, nhận định rằng nhà đầu tư đang lo lắng rồi các tin tốt sẽ thúc đẩy Fed quyết liệt (tăng lãi suất) hơn nữa.
Chứng khoán Phố Wall giao dịch ảm đạm từ lúc mở cửa phiên 1/9, mãi đến cuối phiên mới phục hồi nhẹ. Chỉ số Dow Jones và S&P 500 đóng cửa phiên trong sắc xanh và chấm dứt chuỗi giảm bốn phiên liên tiếp trước đó.
Khép lại phiên 2/9, chỉ số Dow Jones tăng 0,5% lên 31.656,42 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên mức 3.966,85 điểm. Riêng chỉ số Nasdaq giảm 0,3% và đóng cửa phiên ở mức 11.785,13 điểm.
Về phía các thị trường châu Á, mở cửa phiên giao dịch sáng 2/9, chứng khoán Nhật Bản giảm 0,16% xuống 27.616,07 điểm, với đồng USD đổi 139,98 yen - mức thấp nhất trong 24 năm. Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục cam kết duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ trái ngược với xu hướng chắt chặt của Fed.
Trong khi đó, chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm nhẹ 0,13% xuống 19.572,47 điểm.
Đáng chú ý, thành phố Thành Đô của Trung Quốc với khoảng 16 triệu dân đang bị phong tỏa để ngăn chặn đợt bùng phát dịch COVID-19, điều này có khả năng giáng một đòn nữa vào nền kinh tế đang ảm đạm của nước này.
Nhà phân tích Michael Hewson của công ty dịch vụ tài chính CMC Markets cho biết: “Với việc các đợt bùng phát dịch khó có thể giảm bớt khi bước vào mùa đông, triển vọng về sự phục hồi của Trung Quốc vào đầu năm sau hầu như không còn nữa, điều này làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng kinh tế trì trệ dai dẳng trên toàn cầu”./.