Chứng khoán châu Á tăng giảm đan xen trong chiều 20/4, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ cấp dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa cao hơn nhờ đồng yen rẻ và đà tăng trên thị trường Phố Wall, nơi các nhà đầu tư được khuyến khích bởi dữ liệu về thị trường nhà ở Mỹ tốt hơn dự kiến và thu nhập doanh nghiệp vững chắc.
Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo tiến thêm 232,76 điểm (tương đương 0,86%) và đóng cửa ở mức 27.217,85 điểm. Các thị trường Jakarta, Sydney và Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng đều nhích lên trong phiên này.
Chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa gần như đi ngang vào thứ Tư, khi các nhà đầu tư tỏ ra thận trọng về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu và động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sau một phiên giao dịch đầy biến động, chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm nhẹ 0,2 điểm (tương đương 0,01%) xuống 2.718,69 điểm.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đồng loạt đi xuống trong phiên này, với chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải là chỉ số giảm điểm nhiều nhất trong số các thị trường lớn ở châu Á.
[Thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong chiều 18/4]
Chiều 20/4, chứng khoán Hong Kong kết thúc với mức giảm 0,40% (tương đương 83,09 điểm) và đóng cửa ở mức 20.944,67 điểm sau khi IMF hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2022 và các ngân hàng Trung Quốc giữ nguyên lãi suất cho vay.
Chỉ số Shanghai Composite giảm tới 1,35% (42,98 điểm) xuống 3.151,05 điểm.
Trong báo cáo mới nhất, IMF đã điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,8 điểm phần trăm xuống 3,6% trong năm nay, chủ yếu do các cuộc khủng hoảng lạm phát liên quan đến xung đột tại Ukraine và đại dịch COVID-19.
Báo cáo cũng chỉ rõ tăng trưởng toàn cầu trung hạn cũng sẽ giảm xuống mức 3,3%, thấp hơn so với mức trung bình 4,1% trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2013. Chuyên gia kinh tế cấp cao của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nhận định cuộc xung đột tại Ukraine đang gây ra tác động sâu rộng đối với nền kinh tế.
IMF quan ngại rằng kinh tế sụt giảm có thể thấy rõ nhất tại các quốc gia nghèo nhất, đe dọa xóa bỏ những thành quả trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 16h15 ngày 20/4, chỉ số VN-Index giảm 21,73 điểm (1,55%) xuống 1.384,72 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng để mất 12,65 điểm (3,22%) xuống 380,04 điểm./.