Chứng khoán Mỹ, châu Âu chuyển động cùng chiều ở phiên đầu tuần

Chứng khoán Mỹ mở đầu phiên giao dịch đầu tuần đã có màn tăng điểm nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung xem xét các báo cáo về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Đức.
Chứng khoán Mỹ, châu Âu chuyển động cùng chiều ở phiên đầu tuần ảnh 1Một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán New York. (Nguồn: AFP)

Chứng khoán Mỹ mở đầu phiên giao dịch đầu tuần đã có màn tăng điểm nhẹ trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tập trung xem xét các báo cáo về hoạt động sản xuất tại Trung Quốc và Đức.

Tối 2/11 (theo giờ Việt Nam), các chỉ số chủ lực trên sàn chứng khoán New York đều tăng trung bình 0,3%. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 57 điểm lên mức 17.719 điểm. Chỉ số Standard & Poor's 500 tăng 7 điểm lên 2.086 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 15 điểm lên mức 5.070 điểm.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa phiên cùng ngày cũng phủ sắc xanh nhờ vào số liệu tích cực của hoạt động chế tạo tại khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo đó, Chỉ số quản lý nhà mua hàng (PMI) ngành chế tạo của khu vực châu Âu do hãng Markit công bố tăng lên mức 52,3 (điểm) trong tháng 10/2015 so với mức 52 điểm của tháng trước đó.

Trong phiên giao dịch đầu giờ chiều tại hai thị trường hàng đầu của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là Frankfurt của Đức và Paris của Pháp, chỉ số DAX 30 tăng 0,83% lên 10.939 điểm trong khi chỉ số CAC 40 tăng 0,37% lên 4.915 điểm. Chứng khoán Milan (Italy) tăng 0,48% trong khi của Madrid (Tây Ban Nha) tăng 0,49%. Tuy nhiên, riêng chỉ số FTSE 100 của Anh lại giảm 0,43% xuống còn 6.333,5 điểm.

Trái ngược với xu hướng tích cực tại thị trường Mỹ và châu Âu, thị trường châu Á chứng kiến phiên giao dịch ảm đạm đầu tuần trong bối cảnh nhà đầu tư cân nhắc tình hình sa sút hơn dự đoán trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc. Theo đó, chỉ số PMI lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc trong tháng 10 vừa qua đứng ở mức 48,3 (điểm). Đây là tháng thứ 8 liên tiếp chỉ số trên ở dưới ngưỡng 50, mức phân định giữa tăng trưởng và giảm sút, khiến nhà đầu tư thêm lo ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Chốt phiên giao dịch ngày 2/11, chứng khoán Tokyo của Nhật Bản giảm 2,1%. Tại Australia, chứng khoán Sydney hạ 1,41%, còn chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) giảm 1,2% và chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) mất 1,7%.

Trước khi các sàn chứng khoán châu Á đóng cửa, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tăng tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ so với đồng USD lên 0,54%. Đây là mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ qua khi Bắc Kinh thả nổi tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ với USD.

Giới phân tích cho rằng quyết định trên của PBoC là nhằm phần nào cải thiện quan điểm đối với nền kinh tế số 2 thế giới cũng như nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa đồng Nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ tạo thành tài sản dự trữ quốc tế, hay Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Chuyên gia phân tích Liu Jian thuộc Ngân hàng Bank of Communications nhận định do kinh tế Trung Quốc đang dần ổn định nên những đồn đoán về việc đồng Nhân dân tệ sẽ tiếp tục hạ giá đã dần lắng xuống. Mặt khác, các chính sách của Bắc Kinh cũng là khá rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang cố gắng duy trì một thị trường ngoại hối ổn định để có thể "góp mặt" trong SDR.

Hiện Trung Quốc đã cho phép nhà đầu tư giao dịch đồng Nhân dân tệ với biên độ +/-2% so với tỷ giá do ngân hàng trung ương ấn định hàng ngày đối với thị trường ngoại hối nội địa. Trước đó, hồi tháng Tám, Bắc Kinh đã điều chỉnh đồng Nhân dân tệ giảm gần 5% chỉ trong vòng một tuần và cho rằng đây là một phần nỗ lực nhằm tăng cường sự linh hoạt tỷ giá Nhân dân tệ. Tuy nhiên, động thái này làm dấy lên lo ngại rằng thực trạng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tệ hơn dự kiến và Trung Quốc đang tìm cách giảm giá hàng xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục