Chứng khoán Mỹ khép lại tháng 1 tồi tệ nhất trong bảy năm

Tuần giao dịch vừa qua vẫn khép lại tháng ​1 tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ năm 2009, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 5,5%, S&P hạ 5,1% và Nasdaq Composite giảm 7,9%.
Chứng khoán Mỹ khép lại tháng 1 tồi tệ nhất trong bảy năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Sau khi liên tục trồi sụt trong các phiên giao dịch tuần qua, chứng khoán Mỹ lại hòa chung vào không khí tích cực của thị trường toàn cầu và tăng hơn 2% phiên cuối tuần, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản bất ngờ tung ra biện pháp kích thích tăng trưởng mới.

Thêm vào đó, những hy vọng vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giãn lộ trình nâng lãi suất cũng góp phần hỗ trợ đà đi lên của Phố Wall.

Giá dầu tiếp tục là một trong những nhân tố chính chi phối diễn biến của thị trường chứng khoán trong tuần qua. Đáng chú ý, sau khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) để tuột mất gần 6% ở phiên đầu tuần, khiến “sắc đỏ” phủ ngập các sàn chứng khoán, việc giá dầu tăng trước khả năng diễn ra cuộc đàm phán giữa Nga và các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về cắt giảm sản lượng đã nâng giá cổ phiếu của các công ty liên quan đến dầu mỏ và đẩy các chỉ số đi lên vào hai phiên cuối tuần.

Ngoài ra, xu hướng lên xuống bất nhất của các chỉ số chủ lực tại Phố Wall cũng bắt nguồn từ những thông tin xung quanh cuộc họp chính sách đầu tiên của Fed trong năm 2016, khi ngân hàng này để ngỏ khả năng sẽ tiến hành tăng lãi suất lần thứ hai vào tháng Ba tới, bất chấp nền kinh tế còn nhiều bất ổn. Điều này đi ngược lại với kỳ vọng của thị trường.

Trong phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 29/1), cũng là phiên giao dịch khép lại tháng 1/2016, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 396,66 điểm (2,47%), lên 16.466,30 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng tăng 46,88 điểm (2,48%), lên 1.940,24 điểm. Còn chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite ghi thêm 107,28 điểm (2,38%), lên 4.613,95 điểm.

Sắc xanh xuất hiện trên hầu hết các thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên này, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định áp dụng mức lãi suất âm 0,1% đối với các tài khoản vãng lai mà các tổ chức tài chính gửi tại ngân hàng này nhằm đạt được mục tiêu lạm phát trong thời gian sớm nhất, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Thêm vào đó, Phố Wall còn bị chi phối bởi báo cáo mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho hay đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 thế giới đã “hãm phanh” trong quý 4/2015, đứng ở mức 0,7%, sau khi lần lượt đạt mức tăng trưởng ấn tượng 3,9% và 2% trong quý 2 và quý 3.

Nguyên nhân dẫn tới sự giảm tốc của kinh tế Mỹ là do giá dầu thế giới liên tục “lao dốc” và đồng USD mạnh lên ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu. Số liệu kém lạc quan này đã khiến mức tăng trưởng kinh tế Mỹ trong cả năm ngoái đạt 2,4%, tương đương với mức tăng trưởng của năm 2014.

Tuy nhiên, thông tin này lại khiến giới đầu tư cố phiếu an tâm hơn phần nào bởi họ tin rằng với sự bấp bênh của nền kinh tế, lộ trình nâng lãi suất trong năm nay của Fed sẽ chậm lại.

Tính chung cả tuần này, chỉ số Dow Jones tăng 2,3%, S&P cộng thêm 1,7% và Nasdaq tiến 0,5%. Dù vậy, tuần giao dịch vừa qua vẫn khép lại tháng ​1 tồi tệ nhất của Phố Wall kể từ năm 2009, khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 5,5%, S&P hạ 5,1% và Nasdaq Composite giảm 7,9%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục