Chứng khoán Mỹ khởi sắc, Nasdaq tăng tuần đầu tiên kể từ tháng 8

Kết quả tích cực trong phiên 25/9 không phải là xu hướng lâu dài, thị trường đã chịu áp lực trong một thời gian dài và đến phiên này, nhà đầu tư đã tranh thủ mua vào khi các cổ phiếu hạ giá.
Bên ngoài Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 13/7/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Phố Wall khép lại tuần giao dịch đầy biến động trong sắc xanh, với chỉ số công nghệ Nasdaq ghi nhận tuần tăng điểm đầu tiên kể từ tháng trước.

Tuần qua, chứng khoán Mỹ ghi nhận những phiên tăng giảm ngược chiều với các yếu tố chi phối tâm lý nhà đầu tư vẫn chủ yếu xoay quanh diễn biến liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp mà Chính phủ Mỹ có thể đưa ra để vực dậy nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Các chỉ số chủ chốt trên Phố Wall "tuột dốc" trong phiên đầu tuần (21/9) khi nỗi lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 đã trở lại ám ảnh thị trường và sự phục hồi nhờ hoạt động tiêu dùng sẽ chững lại nếu các biện pháp phong tỏa được áp dụng trở lại. Trong các phiên tiếp theo, thị trường liên tục trồi sụt, tăng điểm trong ngày 22/9 và lại rơi vào trạng thái bán tháo trong phiên 23/9. 

[Chứng khoán toàn cầu phiên 21/9 giảm mạnh vì nỗi lo COVID-19]

Khép lại phiên 24/9, chứng khoán Phố Wall chỉ tăng nhẹ. Đến phiên cuối tuần 25/9, thị trường Phố Wall có phần khới sắc nhờ sự dẫn dắt của nhóm các cổ phiếu công nghệ.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,3% lên 27.173,96 điểm trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng tiến thêm 1,6% và đóng cửa phiên ở mức 3.298,46 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng thêm 2,3% và khép phiên ở mức 10.913,56 điểm.

Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,8% còn S&P 500 hạ 0,6%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp hai chỉ số này mất điểm, tương tự như thời điểm tháng 8/2019. Riêng Nasdaq ghi nhận mức tăng 1,1% và chấm dứt đà đi xuống kéo dài trong ba tuần trước.

Art Hogan, chuyên gia về thị trường tại National Securities, nhận định kết quả tích cực trong phiên 25/9 không nên được coi là một xu hướng rộng hơn, thị trường đã chịu áp lực trong một thời gian dài và đến phiên này, nhà đầu tư đã tranh thủ mua vào khi các cổ phiếu hạ giá.

Mặc dù phát biểu của các quan chức hàng đầu của Mỹ gần đây đã mang lại thêm kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới của Mỹ, giới đầu tư vẫn thất vọng khi các nhà lập pháp Mỹ không đạt được thỏa thuận về một gói kích thích mới.

Bên cạnh đó là những đồn đoán rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có thể kéo dài do việc kiểm phiếu chậm hoặc đối mặt với các thách thức pháp lý.

Phát biểu trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ cùng với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết nền kinh tế số một thế giới đang chứng kiến đà tăng trưởng nhanh chóng song chính phủ vẫn để ngỏ việc đưa ra thêm các biện pháp kích thích tài khóa ngay cả khi các cuộc đàm phán về vấn đề này tại Mỹ đang bế tắc.

Nhà phân tích Craig Erlam của Oanda thì cho rằng những vấn đề cũ vẫn đang kìm hãm thị trường, đó là sự bất ổn về tình hình kinh tế-chính trị đặc biệt là ở Mỹ, tình hình dịch bệnh đáng lo ngại ở châu Âu, và tình trạng thiếu các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ mới của Washington.

Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp hơn sau khi số ca lây nhiễm tăng đột biến ở Pháp và một số quốc gia châu Âu, làm dấy lên lo ngại về những hạn chế rộng hơn đối với hoạt động kinh tế.

Việc các nước châu Âu tái áp đặt một số biện pháp đối phó với dịch COVID-19 đã làm dấy lên lo lắng về một động thái tương tự ở Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục