Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 25/9 và dao động quanh mức thấp nhất của hai tháng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn từ đồng USD do lo ngại những bất ổn xung quanh gói kích thích tiếp theo của Mỹ.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.864,39 USD/ounce vào lúc 0 giờ 49 phút (sáng 26/9 theo giờ Việt Nam), trong khi giá vàng Mỹ giao kỳ hạn giảm 0,6% xuống 1.866,30 USD/ounce.
Phiên này, yếu tố chính ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư là sự không chắc chắn xung quanh cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới tại Mỹ.
Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya thuộc công ty tư vấn OANDA cho biết đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đồng ý rằng nền kinh tế cần một gói các biện pháp hỗ trợ mới.
Nhưng họ lại chưa thể quyết định về quy mô của gói kích thích và chính sự không chắc chắn này đang đẩy các nhà đầu tư về phía đồng USD.
[Giá vàng thế giới đảo chiều và chuyển sang xu hướng tăng phiên 24/9]
Nhìn chung, xu hướng chủ đạo của giá vàng trong tuần này là đi xuống với bốn phiên giảm và chỉ một phiên tăng giá. Những lo ngại về số phận gói kích thích kinh tế ở Mỹ là yếu tố chính “phủ bóng” lên tâm lý thị trường.
Trong phiên đầu tuần 21/9, giá vàng thế giới giảm gần 3% và rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng, giữa bối cảnh "bài toán" về chương trình kích thích tài chính "chưa có lời giải" của Mỹ đã gây sức ép lên kim loại quý này, cùng với đồng USD mạnh lên.
Đà giảm của giá vàng kéo sang phiên 22/9 khi đồng USD tăng lên mức đỉnh trong gần hai tháng và giới đầu tư tìm kiếm manh mối về "thể trạng" của nền kinh tế Mỹ từ các tuyên bố của các quan chức thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng thế giới giảm hơn 2% trong phiên 23/9 và rơi xuống mức thấp nhất trong khoảng hai tháng là 1.861,60 USD/ounce, giữa bối cảnh đồng USD mạnh lên và các nhà đầu tư chờ đợi động thái tiếp theo từ các ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn kinh tế bất ổn.
Việc nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế được triển khai sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng như là tài sản đầu tư an toàn trong thời điểm rủi ro lạm phát và đồng tiền mất giá.
Sang phiên 24/9, giá vàng thế giới đảo chiều và chuyển sang xu hướng tăng do đồng USD giảm nhẹ và các quan chức Fed tái khẳng định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến khi lạm phát đạt mục tiêu 2%.
Theo ông Bart Melek, chuyên gia chiến lược hàng hóa tại trung tâm TD Securities, quyết định trên của Fed sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá vàng. Các nhà phân tích thị trường cũng dự đoán giá kim loại quý này có triển vọng tăng giá trong trung hạn do lo ngại về cuộc bầu cử ở Mỹ.
Nhưng đà tăng đã không thể kéo dài sang phiên 25/9. Tính chung trên cả tuần, giá vàng thế giới giảm khoảng 4,4%, đánh dấu mức giảm cao nhất trong sáu tuần qua.
Trong khi đó, đồng USD có một tuần giao dịch tốt nhất kể từ đầu tháng Tư tới nay. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm cho các hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này như vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với nhà đầu tư sử dụng các đồng tiền khác.
Các nhà quan sát cho rằng dù giá vàng đang đi xuống, giới đầu tư vẫn còn nhiều sự chú ý đối với kim loại quý này nhờ một loạt các yếu tố như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc hay tình trạng bế tắc của gói kích thích mới tại Washington.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng phân tích các báo cáo kinh tế ở Mỹ để đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Việc doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng Bảy tăng yếu hơn so với dự báo, kết hợp với thông tin doanh số bán lẻ tháng Bảy của Trung Quốc giảm 1,1%, là những dấu hiệu cho thấy sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Theo chuyên gia Gaffney thuộc TIAA Bank, đây là lý do tại sao vắcxin rất quan trọng. Người tiêu dùng sẽ không cảm thấy hoàn toàn tự tin để đi du lịch và chi tiêu cho đến khi họ cảm thấy an toàn trước đại dịch.
Ông Gaffney nhận định trong thời gian sắp tới, các nhà giao dịch sẽ tiếp tục theo dõi khả năng xuất hiện của làn sóng COVID-19 thứ hai trên khắp châu Âu và châu Á cũng như các chính sách lãi suất. Điều này là do giá vàng sẽ được hưởng lợi nếu lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp./.