Trong phiên giao dịch ngày 8/7, sàn giao dịch chứng khoán New York của Mỹ đã bất ngờ ngừng mọi giao dịch trong hơn ba giờ đồng hồ do sự cố kỹ thuật.
Mặc dù Phố Wall đã nối lại hoạt động vào lúc 19 giờ 10 phút GMT (khoảng hơn 2 giờ sáng ngày 9/7 giờ Việt Nam), song cả ba chỉ số chủ lực của thị trường cổ phiếu Mỹ đều ghi nhận mức giảm vào cuối phiên.
Bên cạnh sự cố kỹ thuật ngoài tầm kiểm soát trên, những lo ngại về tình hình khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và sự bất ổn tại thị trường chứng khoán Trung Quốc tiếp tục là các yếu tố "tô điểm" thêm cho sắc đỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên này.
Kết thúc phiên giao dịch 8/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 261,49 điểm (1,47%), xuống 17.515,42 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng mất 34,65 điểm (1,66%), xuống 2.046,69 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 87,70 điểm (1,75%), xuống 4.909,76 điểm.
Vào lúc 15 giờ 30 phút giờ GMT ngày 8/7 (tức khoảng hơn 11 giờ đêm cùng ngày theo giờ Việt Nam), tất cả các mã trên sàn chứng khoán New York (NYSE) đột ngột ngừng giao dịch và các lệnh mở cũng đều bị hủy.
NYSE sau đó đã thông báo rằng nguyên nhân dẫn đến sự cố này là do lỗi kỹ thuật chứ không phải do sự xâm nhập trái phép của hacker.
Hơn ba tiếng sau, giao dịch tại Phố Wall đã được nối lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đà sụt giảm của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong phiên này không bắt nguồn từ sự cố trên, mà chủ yếu là do những lo ngại về tình hình tại Hy Lạp và Trung Quốc, bởi trước khi sàn giao dịch bị sập, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều đang chứng kiến đà đi xuống.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm gần 30% kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng Sáu, kết thúc chuỗi lên điểm kéo dài tám tháng và dẫn đến một loạt các biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ của Chính phủ nhằm ngăn chặn đà giảm của thị trường - việc gây lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, giả thiết Hy Lạp phải rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đang hiển hiện trên thực tế hơn bao giờ hết, sau khi châu Âu tuyên bố hạn chót để Athens đưa ra chi tiết kế hoạch cải cách của nước này là trước ngày 9/7.
Đi ngược với diễn biến ảm đạm tại Mỹ, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại đón nhận "sắc xanh," bất chấp sự bất ổn của thị trường cổ phiếu Trung Quốc, nhờ những hy vọng vào một lối thoát dành cho cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp.
Đóng cửa phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của nước Anh tăng 0,91%, lên 6.490,70 điểm. Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 tiến 0,75%, lên 4.639,02 điểm. Còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 ghi thêm 0,66%, lên 10.747,30 điểm./.