Vốn đã bị thua lỗ nặng nề trong năm nay, nhưng các nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ cần phải chuẩn bị cho khả năng tiêu cực hơn nữa, khi họ dần nhận ra thực tế rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang thực sự có ý định sẽ thắt chặt điều kiện tài chính để kiềm chế lạm phát.
Về cơ bản, điều kiện tài chính đo lường mức độ dễ dàng tiếp cận tín dụng của các hộ gia đình và doanh nghiệp, và vì thế cũng thể hiện chính sách tiền tệ đã tác động thế nào đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính cũng có liên quan đến sự tăng trưởng trong tương lai.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng nếu chỉ số điều kiện tài chính của ngân hàng này (FCI) giảm thêm 100 điểm cơ bản thì nó sẽ khiến tăng trưởng giảm 1 điểm phần trăm trong năm tiếp theo.
[Mỹ có thể loại các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán]
Chỉ số trên của Goldman và các chỉ số khác từ Fed chi nhánh Chicago và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đều cho thấy điều kiện tài chính đã thắt chặt đáng kể trong năm nay, nhưng vẫn còn nới lỏng khi so với quá khứ. Đây là bằng chứng cho thấy quy mô của chính sách kích thích đã được ban hành để giúp các nền kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19.
Ông Sven Jari Stehn,chuyên gia kinh tế trưởng tại châu Âu của Goldman Sachs, ước tính chỉ số FCI của ngân hàng này sẽ phải thắt chặt hơn nữa thì Fed mới có thể “hạ cánh mềm,” tức tăng trưởng có giảm tốc nhưng không quá mức.
Ông Stehn dự đoán rằng Fed về cơ bản sẽ cần phải giảm một nửa sự chênh lệch giữa số việc làm và số lao động để cố gắng đưa tăng trưởng tiền lương về mức bình thường hơn.
Để làm được điều đó, chuyên gia này cho rằng Fed cần phải giảm tăng trưởng về mức khoảng 1% trong một hoặc hai năm.
Ông Sven Jari Stehn dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng Sáu và tháng Bảy, sau đó cứ tăng mỗi lần thêm 25 điểm cơ bản cho đến khi lãi suất trên mức 3%.
Nhưng nếu điều kiện tài chính không đủ thắt chặt, và tăng trưởng tiền lương và lạm phát không điều chỉnh đủ, Fed có thể tiếp tục với các đợt tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.
Fed đã ngừng gia tăng bảng cân đối kế toán của mình vào tháng Ba và sẽ bắt đầu cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán từ tháng Sáu, cuối cùng ở mức 95 tỷ USD/tháng, qua đó khởi động quá trình thắt chặt định lượng (QT).
Ông Michael Howell, lãnh đạo cấp cao của công ty tư vấn Crossborder Capital, cho biết đà giảm của chứng khoán Mỹ đi theo mức giảm 14% trong lượng thanh khoản mà Fed cung cấp kể từ tháng 12 năm ngoái. Dựa trên sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong thời kỳ đại dịch và sự sụt giảm gần đây, ông ước tính mỗi tháng Fed cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán có thể khiến chỉ số S&P 500 mất 60 điểm.
Câu hỏi đặt ra là liệu Fed có thể thắt chặt điều kiện tài chính vừa đủ để hạ nhiệt giá cả mà không ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng và các thị trường.
Bà Catherine L. Mann, thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh, đã nhấn mạnh nguy cơ các bảng cân đối kế toán khổng lồ của các ngân hàng trung ương có thể đã lấn át tác động của chính sách tiền tệ đến điều kiện tài chính. Nếu quả thật như vậy, Fed có thể sẽ phải hành động mạnh mẽ hơn dự đoán.
Ông Mike Kelly, lãnh đạo cấp cao của công ty quản lý tài sản PineBridge Investments, cho biết các lần thắt chặt định lượng trước đây đều nhỏ hơn nhiều, vì thế “chúng ta sắp bước vào một môi trường mà chưa ai từng chứng kiến trước đó.”
Trong các lần thắt chặt định lượng vào năm 2013 và 2018, chứng khoán Mỹ giảm 10%, khiến Fed phải nhẹ tay hơn trong việc thắt chặt.
Nhưng những người tin rằng Fed sẽ can thiệp và nâng đỡ thị trường chứng khoán cần phải cảnh giác.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Citi dự đoán điều này sẽ không diễn ra trước khi chỉ số S&P 500 giảm thêm 20% nữa./.