Thị trường chứng khoán Mỹ biến động khá thất thường trong tuần này. Mặc dù kết thúc tuần với mức tăng, song số ca nhiễm dịch COVID-19 cao hơn tại một số bang của Mỹ trong vài ngày qua đã làm dấy lên hoài nghi về tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến thị trường chứng khoán có một tuần giảm điểm.
Ba chỉ số chính của Phố Wall đã dẫn đầu đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 8/6), nhờ kỳ vọng vào việc nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau thời gian dài phong toả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Phiên này, chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức cao kỷ lục mới và S&P 500 lấy lại được những gì đã mất kể từ đầu năm.
Phiên 10/6 cũng đánh dấu lần đầu tiên chỉ số Nasdaq kết thúc ngày giao dịch ở trên ngưỡng 10.000 điểm.
Sau cuộc họp kéo dài hai ngày (9-10/6), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - ngân hàng trung ương) quyết định giữ lãi suất chuẩn ở mức gần 0% cho đến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19, đồng thời dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 6,5% trong năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 9,3%, so với mức 13,3% hiện tại.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên ít nhất tới năm 2022.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, việc số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm trong tháng Năm là một "bất ngờ đáng hoan nghênh," song ông cảnh báo rằng con đường phục hồi phía trước còn rất dài khi đã có tới 20 triệu lao động bị mất việc do các lệnh giãn cách xã hội.
Sau đó, phiên giao dịch ngày 11/6 đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của Phố Wall trong gần ba tháng, sau khi dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm COVID-19 mới đã tăng ở một số bang, bao gồm bang Arizona, Nam Carolina và Texas, trong khi kinh tế vừa mở cửa trở lại.
[Mỹ sẽ vẫn mở cửa nền kinh tế bất chấp làn sóng COVID-19 thứ hai]
Dù vậy, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ không thể đóng cửa kinh tế một lần nữa. Tính tới hiện tại, Mỹ đã ghi nhận hơn 2 triệu ca nhiễm COVID-19, cùng với hơn 100.000 ca tử vong.
Đà tăng của phiên giao dịch cuối tuần không thể giúp Phố Wall tránh khỏi tuần lao dốc và đánh dấu tuần giảm điểm mạnh nhất của thị trường này kể từ tháng 3/2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/6, chỉ số Dow Jones tăng 477,37 điểm (tương đương 1,9%) lên 25.605,54 điểm, sau khi có thời điểm tăng vọt hơn 800 điểm vào đầu phiên. Chỉ số S&P 500 tiến 39,21 điểm (1,31%), lên 3.041,31 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 96,08 điểm (1%), khép phiên ở mức 9.588,81 điểm.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones mất 5,55%, S&P 500 giảm 4,7%, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,33%.
Số liệu kinh tế mới nhất của Mỹ có được trong cùng ngày bao gồm báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho hay, giá nhập khẩu của nước này trong tháng Năm đã tăng 1%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2019. Trong khi đó, chỉ số lòng tin tiêu dùng do đại học Michigan khảo sát cũng tăng từ mức 72,3 trong tháng Năm lên 78,9.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, GDP của Vương quốc Anh đã giảm mạnh kỷ lục 20,4% trong tháng 4/2020 đã cho thấy sự suy yếu của kinh tế châu Âu, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath nhận định rằng, nền kinh tế thế giới đang phục hồi chậm hơn dự kiến và phải đối mặt với tổn thương nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Bà cho biết, IMF sẽ công bố những dự báo kinh tế cập nhật vào gày 24/6 tới và có khả năng kết quả này sẽ tệ hơn mức dự báo tăng trưởng 3% của nền kinh tế toàn cầu được đưa ra hồi tháng Tư vừa qua./.