Các thị trường chứng khoán châu Á giảm trong phiên sáng 29/11, khi sự lây lan của biến thể Omicron ở các nước phát triển có nguy cơ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế và các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương.
Cùng chung xu hướng với các thị trường chứng khoán châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên sáng 29/11 cũng ngập trong sắc đỏ.
Dù đà giảm đã được thu hẹp vào cuối phiên sáng, nhưng chỉ số VN-Index vẫn giảm khá sâu khi các cổ phiếu nhóm ngân hàng đồng loạt đi xuống.
[Tuần 29/11-3/12: Nhà đầu tư thận trọng với nhóm cổ phiếu "đầu cơ"]
Cuối phiên, VN-Index giảm 14,55 điểm xuống 1.478,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 652 triệu đơn vị, tương ứng gần 20.000 tỷ đồng. Toàn sàn có 122 mã tăng giá, 362 mã giảm giá và 23 mã đứng ở tham chiếu.
HNX- Index sau khi giảm sâu đầu phiên sáng, hết phiên ATO (lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa) đã đảo chiều đi lên.
Cuối phiên sáng, HNX-Index tăng 3,14 điểm lên 461,77 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 100,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.635,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 80 mã tăng giá, 155 mã giảm giá và 36 mã đứng giá.
UPCOM-Index giảm 1,26 điểm xuống 113,08 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 68,2 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.470,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 202 mã giảm giá và 52 mã đứng giá.
Về diễn biến khối ngoại, sáng nay, khối này bán ròng gần 131 tỷ đồng trên HOSE, 186,24 tỷ đồng trên HNX, trong khi chỉ mua ròng 7,28 tỷ đồng trên UPCOM.
Sắc đỏ phủ kín nhóm cổ phiếu ngân hàng khi tất cả các mã ngành này đều giảm giá. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đồng loạt giảm sâu, với BSR, OIL, PLX, PVB, PVC, PVD, PVS, PVT... đều ở chiều giá đỏ.
Các nhóm ngành thực phẩm đồ uống, bán lẻ, du lịch và giải trí, tài nguyên cơ bản... đều đồng loạt giảm giá.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán về cuối phiên khởi sắc trở lại, sắc xanh đã xuất hiện nhiều hơn so với đầu phiên sáng.
Nếu như đầu phiên sáng chỉ có mỗi CSI tăng lên giá trần thì đến cuối phiên sáng, có thêm VND, APS, DSC, EVS, HCM, SSI, IVS, MBS, OGC, TVS, VIG đảo chiều tăng giá.
Tương tự, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng đã khởi sắc hơn so với đầu phiên sáng. Theo đó, BVH, PRE, PTI ở chiều giá xanh.
Nhóm cổ phiếu y tế diễn biến rất tích cực với hàng loạt mã tăng lên giá trần như: VHE, VMD, SPM, PPP, LDP, JVC, DBT, AMV. Các cổ phiếu ngành y tế còn lại có mức tăng rất mạnh; trong đó, nhiều mã tăng sát giá trần.
Sắc xanh cũng xuất hiện nhiều trong nhóm cổ phiếu ngành bất động sản. Đáng chú ý, VIC tăng tới 4,6% là động lực nâng đỡ lớn cho thị trường chung. VHM cũng tăng 0,5%.
Ở các mã có vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã bất động sản tăng rất tích cực như: ITA, KBC, ITC, KHG, IDJ, KOS, LDG, LGL, SCR, SSH..., thậm chí nhiều mã còn tăng lên giá trần như: VHD, PTL, CRE, DRH, API.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán giảm trong phiên sáng 29/11, khi sự lây lan của biến thể Omicron ở các nước phát triển có nguy cơ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế và các kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,71% xuống 23.910,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,99% xuống 3.528,67 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,87% xuống 28.501,93 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quôc giảm 0,75% xuống 2.914,54 điểm.
Biến thể mới của virus gây ra đại dịch đã xuất hiện ở Canada và Australia, khi có thêm các nước áp đặt hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.
Anh đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp của các bộ trưởng y tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về diễn biến của dịch, dù một bác sỹ người Nam Phi điều trị các ca bệnh cho biết các triệu chứng do biến thể Omicron gây ra cho đến nay không mạnh.
Nhà chiến lược về thị trường của NAB, Rodrigo Catril cho rằng, còn nhiều điều chưa rõ về biến thể Omicron, nhưng các thị trường buộc phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng của toàn cầu cho đến khi biết rõ hơn về biến thể này./.