Chứng khoán thế giới đa phần giảm điểm trong phiên 29/11

Riêng tại Phố Wall (Mỹ), chỉ số S&P 500 lùi 0,2% xuống 3.957,63 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 10.983,78 điểm trong phiên giao dịch 29/11.
Chứng khoán thế giới đa phần giảm điểm trong phiên 29/11 ảnh 1Chứng khoán thế giới đa phần đi xuống trong phiên 29/11. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán thế giới đa phần đi xuống trong phiên 29/11 sau khi các đợt phục hồi mạnh ở thị trường châu Á không gây ra phản ứng tương tự ở châu Âu và Phố Wall, nơi giới đầu tư vẫn thận trọng trước bài phát biểu của giới chức Mỹ trong tuần này.

Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đi ngang ở mức 33.852,53 điểm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,2% xuống 3.957,63 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 10.983,78 điểm.

Các nhà đầu tư Mỹ đang tỏ ra thận trọng trước khi có bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ngày 30/11 (theo giờ địa phương).

Bài phát biểu của ông Powell tại Viện Brookings được đưa ra khi các thị trường kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ sớm điều chỉnh chính sách tăng mạnh lãi suất - công cụ để chống lại lạm phát phi mã.

Chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW cho biết các nhà đầu tư đã "do dự" trong phiên này khi họ chờ xem liệu ông Powell có thực sự xác nhận một sự thay đổi như vậy hay không.

[Thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu đều "lao dốc"]

Theo ông Haeling, thị trường có cơ hội tăng điểm vào ngày 1/12 (theo giờ địa phương) miễn là ông Powell không đưa ra bất kỳ thông tin gì bất ngờ.

Trong tuần này, các nhà đầu tư còn quan tâm tới dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ vào ngày 2/12. Những số liệu này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều chỉnh chính sách tiền tệ của Fed.

Theo một cuộc khảo sát do tổ chức tư vấn Conference Board công bố, niềm tin của người tiêu dùng tại Mỹ đã giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 11 - nhiều khả năng là do giá xăng tăng.

Trong khi đó, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia ước tính rằng 196,7 triệu người Mỹ đã mua sắm tại các cửa hàng trực tiếp lẫn trực tuyến trong khoảng thời gian năm ngày tính từ Lễ Tạ ơn vào Thứ Năm tuần trước (24/11) đến "Siêu Thứ Hai" (Cyber Monday 29/11). Đây là kết quả tốt hơn mong đợi, cho thấy khả năng phục hồi của người tiêu dùng Mỹ bất chấp giá tiêu dùng tăng cao.

Tại châu Âu, các thị trường chủ chốt tăng giảm đan xen. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 0,5% lên 7.512,00 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tăng 0,1% lên 6.668,97 điểm. Ngược lại, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 30,2% xuống 14.355,45 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa hầu như không đổi ở mức 3.934,44 điểm.

Báo cáo sơ bộ cho thấy lạm phát của Đức bất ngờ chậm lại từ mức cao kỷ lục 10,4% của tháng 10 xuống 10% trong tháng 11. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cảnh báo không nên cho rằng lạm phát hiện đang trên đà giảm vì các hộ gia đình có thể sẽ phải đối mặt với chi phí năng lượng cao hơn từ tháng 1/2023.

Tại thị trường Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 29/11, chỉ số VN-Index tăng 26,47 điểm lên 1.032,16 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 4,16 điểm lên 208,22 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục