Kết thúc phiên giao dịch 15/9, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường Phố Wall hầu hết đều giảm sâu, có nguy cơ “xóa sạch” mức tăng đạt được trong tuần.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức 4.450,32 điểm, giảm 54,78 điểm, tương đương 1,22%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đạt 13.708,33 điểm, giảm 217,72 điểm, tương đương 1,56%, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 288,87 điểm, tương đương 0,83%, xuống còn 34.618,42 điểm.
Cổ phiếu công nghệ là lực cản lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ hôm cuối tuần, nhưng vụ đình công của liên đoàn lao động thuộc ba nhà công ty sản xuất ôtô lớn nhất Mỹ đang tạo đà đẩy cổ phiếu ngành công nghiệp ôtô đi xuống.
Trong cả tuần qua (11-16/9), thị trường chứng khoán Mỹ không có nhiều biến động, khi các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi các thông tin kinh tế mới nhất sẽ được công bố ở cả hai thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, đi kèm với động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được “hé lộ” tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 19-20/9 tới.
[Chứng khoán Âu-Mỹ tăng mạnh theo đà tăng của cổ phiếu Arm]
Trái ngược với thị trường Mỹ, tại châu Âu và châu Á, các thị trường đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự tiếp sức của các dữ liệu kinh tế tích cực từ hai cường quốc lớn.
Vào ngày 14/9, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong một tuần. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (15/9), các chỉ số như Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc), Nikkei 225 của Tokyo (Nhật Bản), S&P/ASX 200 của Australia đều đạt mức tăng trên 1%.
Chuyên gia Matthew Stucky, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Northwestern Mutual Wealth Management, nhận định xu hướng thị trường là phù hợp khi nhìn từ góc độ dữ liệu. Hiện các nhà đầu tư đang tập trung những những yếu tố có thể gây tác động đến chính sách của Fed.
Ông Stucky cho rằng Fed sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất 5-25-5,5% tại cuộc họp tháng Chín. Ông nói: “Rất nhiều sự lạc quan về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất đã được phản ánh vào thị trường.”
Ngày 15/9, các dữ liệu chính thức vừa được công bố cho thấy doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 8/2023 đã có sự cải thiện, tăng vọt so với dự kiến vào tháng trước.
Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có thể ổn định sau nhiều tháng trì trệ, với lạm phát, thương mại và dịch vụ đều ghi nhận sự cải thiện rõ rệt trong những tuần gần đây.
Hôm 14/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) công bố giảm lượng tiền mặt dự trữ bắt buộc trong các ngân hàng thương mại, nhằm giải phóng nguồn vốn cho vay có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Tại châu Âu, chỉ số Paris CAC 40 dẫn đầu toàn thị trường, tăng 1,3% trong phiên chiều 15/9. Neil Wilson, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính Finalto, cho biết chứng khoán châu Âu tăng mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) báo hiệu chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc, giúp đảm bảo tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.
Ngày 14/9, ECB thông báo nâng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 1999, khi đồng euro ra đời. Tuy nhiên, cơ quan này dự báo lạm phát sẽ giảm xuống gần mục tiêu 2,1% vào năm 2025 và nhiều khả năng chu kỳ tăng lãi suất của khu vực sẽ kết thúc sớm.
Ông Chuck Carlson, Giám đốc điều hành của công ty đầu tư Horizon Investment Services ở Hammond, Indiana (Mỹ) phân tích triển vọng của các thị trường trong tuần tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cuộc họp của Fed.
Ông nói có một cuộc chiến giằng co đang diễn ra giữa những người cho rằng lạm phát và lãi suất sẽ giảm và Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm tới, với những người tin rằng lạm phát sẽ cao hơn nhiều so với mục tiêu của Fed do đó lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà đầu tư đánh giá 97% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% -5,5% trong tháng Chín và 68,5% khả năng ngân hàng này sẽ làm điều tương tự vào cuối tháng 11.
Chuyên gia Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Dakota Wealth, nhận định nếu Fed ngừng tăng lãi suất trong tháng 9 và 11/2023, điều đó có thể dẫn đến một đợt phục hồi “tốt đẹp” của các thị trường vào cuối năm nay.
Kịch bản này giúp nuôi dưỡng niềm tin rằng động thái tiếp theo của Fed sẽ là cắt giảm lãi suất bắt đầu từ năm 2024./.