Chứng khoán Thượng Hải giảm mạnh nhất trong hơn 8 năm qua

Chứng khoán Thượng Hải giảm mạnh nhất trong hơn 8 năm qua do lo ngại gia tăng về tình hình của nền kinh tế Đại Lục.
Chứng khoán Thượng Hải giảm mạnh nhất trong hơn 8 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: themonitordaily.com)

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 27/7, trong khi các nhà đầu tư chờ cuộc họp sắp diễn ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để có thông tin về kế hoạch tăng lãi suất.

Thị trường Thượng Hải ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hơn tám năm, cho dù Chính phủ Trung Quốc nỗ lực vực thị trường.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 8,48%, hay 345,35 điểm, xuống 3.725,56 điểm.

Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 3,09%, hay 776,55 điểm, xuống 24.351,96 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,95%, hay 194,43 điểm, xuống 20.350,1 điểm.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,35%, hay 7,15 điểm, xuống 2.038,81 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia tăng 0,43%.

Sự sụt giảm mạnh của chỉ số chứng khoán Thượng Hải xuất phát từ việc số liệu kinh tế làm tổn hại lòng tin, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm vực thị trường, sau cú lao dốc bắt đầu từ tháng trước.

Theo nhà giao dịch Jimmy Zuo ở Guosen Securities, các nhà đầu tư không tin rằng xu hướng đi lên của thị trường sẽ sớm quay lại.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp thị trường chứng khoán Trung Quốc chứng kiến hoạt động bán ra, do lo ngại gia tăng về tình hình nền kinh tế Đại lục.

Chỉ số Shanghai Composite đã để mất 1,29% phiên cuối tuần trước, khi thị trường phản ứng trước báo cáo về hoạt động chế tạo và do hoạt động chốt lời sau sáu phiên tăng điểm.

Cuối tuần trước, báo cáo sơ bộ của Caixin cho thấy, chỉ số nhà quản lý mua hàng trong lĩnh vực chế tạo giảm xuống 48,2 điểm trong tháng Bảy, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2014, khi chỉ số này ở mức 48,1 điểm.

Và số liệu công bố ngày 27/7 cho thấy, lợi nhuận của các công ty công nghiệp trong tháng Sáu giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, gây thêm sức ép suy giảm.

Thị trường Thượng Hải phục hồi trong ba tuần qua, sau đợt báo tháo kéo dài một tháng cho đến ngày 8/7, nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ.

Mặc dù các quan chức bác bỏ, các nhà đầu tư vẫn lo ngại liệu chính phủ có dừng các biện pháp hỗ trợ, khi mức tăng trong vài tuần qua là quá lớn và thị trường cần tự điều chỉnh.

Các nhà đầu tư châu Á cũng chịu tác động từ phố Wall, nơi tiếp tục chứng kiến hoạt động bán trong phiên cuối tuần trước, với chỉ số Dow John giảm 0,92%, chỉ số S&P 500 giảm 1,07% và chỉ số Nasdaq giảm 1,12%.

Theo chiến lược gia Shane Oliver ở AMP Capital Investors Ltd., các thị trường chứng khoán có thể tiếp tục biến động trong giai đoạn thấp điểm và những biến động vẫn liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay.

Sự chú ý hiện đang được hướng đến cuộc họp của Fed trong hai ngày 28-29/7.

Trong khi không dự đoán lãi suất sẽ được nâng lên ngay lập tức, các nhà giao dịch hy vọng sẽ nhận được thông tin về kế hoạch của Fed trong vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục