Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau khi 10 ngân hàng Mỹ bị hạ tín nhiệm

Chốt phiên giao dịch ngày 8/8, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5%, xuống 35.314,49 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, còn 4.499,38 điểm; chỉ số STOXX 50 toàn châu Âu đã giảm 1,1%, còn 4.288,85 điểm.
Chứng khoán toàn cầu lao dốc sau khi 10 ngân hàng Mỹ bị hạ tín nhiệm ảnh 1Giao dịch viên trên thị trường chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán toàn cầu đi xuống trong phiên giao dịch 8/8, sau khi hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s hạ bậc xếp hạng tín nhiệm 10 ngân hàng Mỹ và dữ liệu thương mại trong tháng Bảy của Trung Quốc yếu hơn dự báo, làm dấy lên lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,5%, xuống 35.314,49 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,4%, còn 4.499,38 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,8% xuống 13.884,32 điểm.

Cổ phiếu ngành ngân hàng Mỹ nhìn chung đều lao dốc, sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng các ngân hàng. Cổ phiếu của BOK Financial giảm 1,9% và Prosperity Bancshares giảm 2,3%.

Các ngân hàng khác lớn hơn như Bank of America và Citigroup cũng chịu áp lực, khi cổ phiếu giảm khoảng 1,5%.

Sau khi hạ tín nhiệm 10 ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ, cuối ngày 8/8, Moody tuyên bố đưa sáu “gã khổng lồ” ngành ngân hàng khác vào diện xem xét khả năng bị hạ cấp, bao gồm Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial.

Động thái của Moody đã “giáng một đòn” vào kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ của Mỹ, sau khi nước này công bố các dữ liệu kinh tế tốt hơn dự báo.

Chuyên gia Anthony Saglimbene, nhà quản lý tại Ameriprise Financial, cho biết, về dài hạn, động thái của Moody’s không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Nhưng lãi suất tăng và rủi ro từ các ngân hàng địa phương, liên quan đến bất động sản thương mại, gia tăng đã tạo ra một “đám mây đen” bao trùm thị trường.

[Chờ đợi các số liệu, chứng khoán Mỹ nối dài đà giảm trong phiên 3/8]

Hơn nữa, chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại New York vừa phát hành báo cáo tín dụng và nợ hộ gia đình quý II/2023, trong đó xác nhận nợ quá hạn thẻ tín dụng của người dân Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 11 năm.

Tại châu Âu, do ảnh hưởng từ Phố Wall, các thị trường chứng khoán hầu hết đều giảm điểm. Chỉ số STOXX 50 toàn châu Âu đã giảm 1,1%, còn 4.288,85 điểm. Chỉ số FTSE tại London (Anh), giảm 0,4%, xuống còn 7.527,42 điểm.

Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 1,1%, xuống 15.774,93 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,7% xuống 7.269.47 điểm.

Cùng trong ngày 8/8, Italy đã gây ra sự chấn động lớn trên toàn hệ thống ngân hàng châu Âu, khi tuyên bố đánh thuế một lần 40% đối với lợi nhuận của các ngân hàng, thu được nhờ lãi suất tăng cao hơn.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán hầu hết giảm điểm và đồng nhân dân tệ trượt xuống mức thấp nhất trong ba tuần, do dữ liệu kinh tế Trung Quốc “mờ nhạt” trong quý II/2023 khiến các thị trường lo ngại.

Các nhà đầu tư đang gia tăng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ sớm ban hành biện pháp kích thích, hỗ trợ nhu cầu.

Cổ phiếu và trái phiếu của Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, đã giảm mạnh trong tuần qua, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin công ty hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để huy động 300 triệu USD tại sàn Hong Kong (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, chốt phiên ngày 8/8, chỉ số VN-Index tăng 0,81 điểm, tương đương 0,07%, lên 1.242,23 điểm. Trong khi chỉ số HNX-Index tăng 0,38 điểm, tương đương 0,16% lên 246,07 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục