Chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh sau khi lạm phát tại Mỹ giảm

Thị trường chứng khoán New York cho thấy chỉ số S&P 500 tăng khoảng 1%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,9%; chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,7% lên 28.186,34 điểm.
Chứng khoán toàn cầu phục hồi mạnh sau khi lạm phát tại Mỹ giảm ảnh 1Giao dịch viên tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 11/11 đã phục hồi mạnh, sau khi lạm phát tại Mỹ cải thiện nhanh hơn dự đoán, mang lại hy vọng rằng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạn chế tăng lãi suất trong thời gian tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, vào cuối ngày 11/11, số liệu niêm yết tại thị trường chứng khoán New York cho thấy chỉ số S&P 500 tăng khoảng 1%, trong khi chỉ số Nasdaq tăng 1,9%.

Tại thị trường Phố Wall, chỉ số S&P tăng lên 3.956,37 điểm, chỉ số công nghệ Dow Jones (DJIA) tăng 3,7%, tương đương với hơn 1.200 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite, bao gồm cổ phiếu nhiều công ty công nghệ, nhảy vọt 7,4%, chạm mức 11.114,15 điểm.

Thị trường chứng khoán các nước cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) tăng 5,4%, đạt 16.948,96 điểm.

[Chứng khoán Mỹ có ngày giao dịch sôi động nhất trong hơn 2 năm]

Chỉ số của sàn giao dịch Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng 1,2% lên 3.073,36 điểm, sau khi nhà chức trách Trung Quốc cam kết điều chỉnh chính sách “Không COVID” để giảm thiểu thiệt hại và tránh làm gián đoạn nền kinh tế.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 trên sàn chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 2,7% lên 28.186,34 điểm, chỉ số Kospi của sàn Seoul (Hàn Quốc) tăng 2,8%, đạt 2.471,10 điểm, còn chỉ số S&P-ASX 200 của Sydney (Australia) tăng 2,4% lên 7.128,40 điểm. Chỉ số tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán New Zealand, Singapore và Jakarta (Indonesia) đều tăng, riêng chỉ có chỉ số của sàn Bangkok (Thái Lan) bị giảm.

Bộ Lao động Mỹ ngày 10/11 công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 10 tăng 0,4% so với tháng 9 và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi - không tính thực phẩm và năng lượng - tăng 0,3% trong tháng 10 và tăng 6,3% theo năm.

Ngay sau đó, giới chuyên gia dự báo còn quá sớm để khẳng định giá cả đã được kiểm soát, tức giới chức FED sẽ phải duy trì mức lãi suất cao trong tương lai gần.

Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực mới nhất, các nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay cơ bản vào tháng 12 tới, nhưng chỉ tăng ở mức 0,5% so với 4 lần liên tiếp tăng 0,75% gần đây.

Ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty ngoại hối OANDA - nhận định những số liệu mới nhất là dấu hiệu cho thấy FED “đang đi đúng hướng”, nhưng họ sẽ vấp phải “rất nhiều biến số” trong những quý tiếp theo.

Ông dự đoán lãi suất cơ bản có thể sẽ tăng đến 5% và nếu lạm phát vẫn còn tiếp diễn, lãi suất có thể tăng lên mức 5,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục