Chứng khoán trên thị trường châu Á đồng loạt giảm điểm

Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,5% xuống còn 21.638,16 điểm trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 0,1% xuống còn 28.855,14 điểm.
Chứng khoán trên thị trường châu Á đồng loạt giảm điểm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Financial Express)

Sự bất ổn của kinh tế thế giới đã tác động bất lợi tới các thị trường chứng khoán ở châu Á trong ngày 3/7 trong bối cảnh ảnh hưởng tích cực của việc Mỹ và Trung Quốc “đình chiến” thương mại đang dần kết thúc.

Vào lúc đóng cửa phiên 3/7, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,5% xuống còn 21.638,16 điểm trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong  giảm 0,1% xuống còn 28.855,14  điểm.

Còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,9% xuống còn 3.015,26 điểm.

Thượng Hải là một trong những thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) Dịch Cương đưa ra nhận định làm giảm các dự báo về việc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn.

Ông Dịch Cương cho rằng tăng trưởng kinh tế nước này đang ở gần mức tiềm năng, lãi suất cũng đang ở mức khá hợp lý và chính sách tiền tệ đang hỗ trợ nền kinh tế trong nước ứng phó với những khó khăn hiện tại.

Bình luận trên được đưa ra sau khi số liệu thống kê cho thấy hoạt động chế tạo ở Trung Quốc tiếp tục sụt giảm trong tháng 6/2019, làm tăng thêm những quan ngại về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế “đầu tàu” này trong khi các nền kinh tế khác đang cố gắng ứng phó với ảnh hưởng bất lợi của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.

Trong khi đó, các thương nhân cũng chờ đợi cuộc họp tiếp theo diễn ra trong tháng 7/2019 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) với dự đoán của các thị trường cho rằng cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong khi nhiều ý kiến còn cho rằng con số này sẽ là 0,5 điểm phần trăm.

Trước đó, Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) ngày 1/7 cho biết chỉ số hoạt động chế tạo của nước này đã giảm xuống 51,7 trong tháng Sáu, mức thấp nhất ghi nhận được kể từ tháng 10/2016, so với mức 52,1 trong tháng Năm. Đây là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này giảm.

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh Mark Carney đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng giảm tốc “lan rộng” của nền kinh tế thế giới trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Ông Carney đưa ra bình luận trên khi Nhà Trắng đề xuất áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu do châu Âu trợ cấp cho hoạt động sản xuất các máy bay thương mại.

Theo nhà phân tích thị trường kỳ cựu Alfonso Esparza của OANDA, sự lạc quan về triển vọng kết thúc “thương chiến” đang giảm dần trong bối cảnh Mỹ đang hướng tới một cuộc chiến thương mại tiếp theo với châu Âu.

Trong khi đó, tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/7, chỉ số VN-Index giảm 1,59 điểm xuống 960,39 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 136,59 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 3.461,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 139 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 148 mã giảm giá.

HNX-Index tăng nhẹ 0,21 điểm lên 103,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 343,34 tỷ đồng. Toàn sàn có 60 mã tăng giá, 61 mã đứng giá và 65 mã giảm giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục