Chứng khoán tuần tới: Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ?

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong những phiên đầu tuần và có thể gặp áp lực điều chỉnh trở lại về cuối tuần.
Chứng khoán tuần tới: Dòng tiền hướng đến cổ phiếu vừa và nhỏ? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Những diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán tuần qua khiến giới phân tích có góc nhìn lạc quan hơn với những gì sắp diễn ra trong tuần giao dịch mới.

Còn nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC, dòng tiền vẫn bám trụ và đã phân hóa khá rõ nét trong những phiên giao dịch gần đây. Vẫn còn nhiều cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận khi dòng tiền xoay quanh các nhóm cổ phiếu. Do vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân hợp lý trong giai đoạn này để gia tăng cơ hội cho mình.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC dự báo thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến tăng điểm trong những phiên đầu tuần và có thể gặp áp lực điều chỉnh trở lại về cuối tuần. VN-Index sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự 888-893 điểm.

BVSC tiếp tục đưa ra cảnh báo về khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh đan xen trong quá trình đi lên khi mà trạng thái quá mua trên thị trường đang lan tỏa trên diện rộng. Diễn biến thị trường giai đoạn này sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu.

BVSC cũng cho rằng dòng tiền nhiều khả năng sẽ tiếp tục hướng sự quan tâm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ không tạo được sự đột biến khi hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs (quỹ hoán đổi danh mục) đang ở phía trước.

Nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - SHS cho rằng thị trường hồi phục trong tuần thứ năm liên tiếp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt với 50 ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng và các hoạt động sản xuất kinh doanh trong tháng Năm cũng được cải thiện tốt hơn so với tháng Tư.

Tuy nhiên, SHS vẫn khuyến nghị nhà đầu tư rằng việc khối ngoại bán ròng trong tuần qua với hơn 460 tỷ đồng trên hai sàn là điểm tiêu cực cần lưu ý. Nhà đầu tư thận trọng vào lúc này là điều cần thiết do dư địa tăng của thị trường không còn nhiều.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (8-12/6), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc trong vùng kháng cự 880-890 điểm trong một vài phiên đầu tuần trước khi thoát khỏi vùng này để xác nhận xu hướng ngắn hạn mới.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đóng vai trò dẫn sóng thị trường. Hầu hết các cổ phiếu trong ngành có mức tăng ấn tượng. Cụ thể, SHB tăng tới 14,3%, HDB (13,6%), ACB (10%), CTG (8,7%). BID (5%), VPB (4,9%), VCB (4,5%), MBB (4,1%), TCB (3,6%)...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tăng trưởng tích cực với GAS tăng 3,4%, POW (2,9%), PLX (1,8%), PVB (4,9%), PVD (6,9%), PVC (12,7%), PVS (6,2%).

Nhóm cổ phiếu thực phẩm-đồ uống cũng diễn biến tích cực. Các mã vốn hóa lớn trong nhóm này như VNM tăng 2,6%, SAB (1,5%), MSN (0,5%)...

Các nhóm cổ phiếu chính, vốn hóa lớn trên thị trường tăng mạnh đã giúp thị trường chung hồi phục trong tuần thứ năm liên tiếp với thanh khoản gia tăng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 21,75 điểm (2,5%) lên 886,22 điểm; HNX-Index tăng 8,269 điểm (7,5%) lên 118,08 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần, với khoảng hơn 6.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Trong bối cảnh các nền kinh tế đang hướng tới sự phục hồi, không chỉ chứng khoán trong nước tăng điểm mà hầu hết các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới có mức tăng mạnh.

Chạm mốc kỷ lục

Thị trường chứng khoán Phố Wall ngày 5/6 đã tăng mạnh sau khi một báo cáo về việc làm trong tháng Năm lạc quan hơn mong đợi đã cho thấy bằng chứng rõ ràng nhất đến nay về việc kinh tế Mỹ hướng đến sự phục hồi nhanh hơn dự đoán.

Chỉ số Nasdaq đã chạm mức chốt phiên cao kỉ lục đạt được hồi tháng Hai trước khi giảm xuống dưới mức này khi chốt phiên giao dịch 5/6.

Toàn bộ ba chỉ số chính của Mỹ đều tăng từ 2% trở lên.

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 829,16 điểm, tương đương 3,15%, lên mức 27.110,98, chỉ số S&P 500 tăng 81,58 điểm, tương đương 2.62%, lên 3.193,93 trong khi chỉ số Nasdaq tăng 198,27 điểm, tương đương 2.06%, lên 9.814,08.

Theo giới phân tích, kết quả trên có được là nhờ số liệu thống kê tỷ lệ thất nghiệp lạc quan ngoài dự kiến của Bộ Lao động Mỹ.

Trong tháng Năm, kinh tế Mỹ đã bổ sung 2,5 triệu việc làm, so với con số giảm 20,7 triệu việc làm, kỷ lục của tháng 4 và khiến tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 13,3%. Trước đó, giới phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỉ lục 19,8%.

[Dự báo thị trường chứng khoán khó tăng trưởng mạnh trong tháng Sáu]

Lợi suất trái phiếu kho bạc của Mỹ cũng tăng dựa trên dữ liệu việc làm, qua đó trấn an những ngân hàng nhạy cảm với lãi suất.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng đại dịch COVID-19 vẫn còn lâu mới kết thúc trong bối cảnh các ca mắc mới đang gia tăng.

Hiện các nhà đầu tư cũng chuyển sự quan tâm sang Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiến hành họp về chính sách tiền tệ vào tuần sau, mà theo đó gần như chắc chắn số liệu việc làm mới nhất sẽ được thảo luận.

Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng điểm trở lại khi đóng cửa phiên cuối tuần ngày 5/6, trước sự lạc quan của giới đầu tư về việc các nước nới lỏng lệnh phong tỏa và thực hiện các gói kích cầu quy mô lớn.

Đóng cửa ngày giao dịch 5/6, chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,7% lên 22.863,73 điểm trong khi chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,7% lên 24.770,41 điểm.

Cùng chung xu thế đi lên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% lên 2.930,80 điểm. Còn chỉ số Kospi của thị trường Seoul (Hàn Quốc) tăng 1,43% (30,69 điểm) lên 2.181,87 điểm, mức cao nhất kể từ ngày 20/2/2020.

Theo nhà môi giới chứng khoán Shinichi Yamamoto của Okasan Securities, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), sức mua của giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã nhận được sự hỗ trợ từ những dự đoán về các biện pháp tiền tệ và tài khóa mà các nền kinh tế lớn sẽ thực hiện để vượt qua những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục