Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” - Cầu nối hợp tác Việt Nam-Campuchia

Năm 2023, Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia đã phân công và nhận đỡ đầu hơn 200 lưu học sinh, sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam.
Tuyên dương, khen thưởng các tập thể có thành tích trong triển khai chương trình đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ra đời từ năm 2012, chương trình “Ươm mầm hữu nghị” của Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia với hơn 100 lượt tổ chức, cá nhân tại Việt Nam tình nguyện nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên nước bạn Campuchia, góp phần “ươm mầm” những nhịp cầu hữu nghị bền vững, lâu dài giữa nhân dân hai nước.

Đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên Thon Bunheng cho biết em là một trong số những sinh viên Campuchia may mắn nhận được học bổng do Chính phủ Việt Nam tài trợ và được học ngành có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản.

Em Thon Bunheng chia sẻ chúng em được học tiếng Việt, được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục Việt Nam từ đó học được các kiến thức ngành nghề, hòa nhập với những người bạn Việt Nam. Đây là điều rất quý giá và ý nghĩa trong cuộc đời em.

Đặc biệt, khi biết về lịch sử, chúng em càng tự hào và ghi nhớ công lao của các thế hệ lãnh đạo đã dày công vun đắp tình đoàn kết hữu nghị quốc tế cao cả hai dân tộc.

Đặc biệt, lịch sử đã ghi nhận công lao quân và dân Việt Nam đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng đất nước Campuchia, giúp Campuchia giành được tự do và độc lập, xây dựng đất nước Campuchia phồn vinh, tươi đẹp như ngày nay.

Thon Bunheng tự hào cho biết ngoài được “cha mẹ nuôi” hỗ trợ về vật chất, chỗ ở, em còn được hỗ trợ cả về tinh thần, để em cảm nhận luôn như có chính ba mẹ mình bên cạnh và an tâm học tập thật tốt. Thon Bunheng khẳng định sau khi trở về nước, em sẽ cố gắng làm việc thật tốt và tích cực vun đắp xây dựng tinh thần đoàn kết, hữu nghị quốc tế giữa hai nước.

Hiện là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, ông Nguyễn Công Trung (ở huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những người Việt Nam đang nhận đỡ đầu 2 em Aing Kimhing và Vannak Dine, lưu học sinh Campuchia đang du học tại trường Đại học Y Dược Thành phố.

Ông Nguyễn Công Trung chia sẻ thông qua việc chăm sóc các sinh viên, ông muốn góp phần giáo dục truyền thống hữu nghị của hai dân tộc cho thế hệ trẻ Campuchia, từ đó giúp tô đẹp hơn tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Ông Nguyễn Công Trung từng là cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia và gắn bó với người dân nơi đây. Chính vì tình cảm thiêng liêng đó nên khi phục viên, sống giữa thời bình, ông vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vun đắp cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc.

Tham gia sinh hoạt Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, ông Trung đã nhận đỡ đầu các em học sinh Campuchia du học tại Việt Nam khi chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời, góp phần chia sẻ trí lực, vật lực nhằm vun đắp cho tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia luôn phát triển gắn bó, keo sơn.

Ngoài ra, ông Nguyễn Công Trung cũng đảm nhiệm Trưởng đoàn Thiện nguyện hỗ trợ gia đình liệt sỹ phía Nam và là Chủ tịch Câu lạc bộ “Trái tim người lính miền Tây” trực thuộc Câu lạc bộ “Trái tim người lính Việt Nam.”

Đây được xem là một diễn đàn của các cựu chiến binh, nhất là các cựu chiến binh từng tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia kết nối những cựu chiến binh từng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Câu lạc bộ đã tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống, tập hợp các thế hệ để cùng vun đắp, lan tỏa phát triển tình hữu nghị Việt Nam-Campuchia.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia cho biết, công tác “Ươm mầm hữu nghị” tiếp tục nhận được sự tham gia nhiệt tình của các cấp Hội, hội viên và sinh viên Campuchia.

Sau 10 năm chương trình “Ươm mầm hữu nghị” triển khai góp phần vun đắp tình hữu nghị hai dân tộc, Hội Hữu nghị sẽ tiếp tục đưa ra chương trình trong nhiệm kỳ tới.

Ngay trong năm 2023, Hội đã phân công và nhận đỡ đầu hơn 200 lưu học sinh, sinh viên Campuchia sang học tập tại Việt Nam.

Ông Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia, cho biết năm học 2023-2024, Hội nhận đỡ đầu 70 sinh viên và tiếp tục phối hợp Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Campuchia tại Việt Nam tiếp tục nhận đỡ đầu 130 sinh viên.

Trong số đó, chủ yếu các em dự bị học tiếng Việt, sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai học tại 8 trường đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Y Thái Bình.

Cũng theo ông Lê Tuấn Khanh, bên cạnh việc đỡ đầu sinh viên Campuchia, các đơn vị Hội trực thuộc như Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4, Mặt trận 479, Hội Cựu chuyên gia, Bộ Tư lệnh 719 cùng các tỉnh, thành và các cơ sở giáo dục đào tạo có nhiều sinh viên đang theo học như Trường Hữu nghị 80, Đại học Y Thái Bình, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Học viện Nông nghiệp, Đại học Tôn Đức Thắng… Cùng với đó, các doanh nhân, doanh nghiệp cũng tích cực tham gia chương trình với nhiều hình thức…

Ông Lê Tuấn Khanh cho biết chương trình “Ươm mầm hữu nghị” ra đời trong bối cảnh quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia phát triển mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực, đặc biệt hợp tác trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.

Từ đó, góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo bồi dưỡng, giúp đỡ lưu học sinh, sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam có điều kiện học tập tốt nhất, để sau khi tốt nghiệp về nước, các em là nguồn nhân lực quan trọng, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Campuchia, đồng thời là nhịp cầu hữu nghị lâu dài giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia.

Từ đó, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam-Campuchia tiếp tục được củng cố và tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu./.

(TTXVN/tnam+)

Tin cùng chuyên mục