Những chuyện chưa được kể về võ sư Hoàng Vĩnh Giang thời ở Nga

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga

Những câu chuyện về võ sư Hoàng Vĩnh Giang những năm tháng ông ở Liên Xô được tác giả sưu tầm từ nguồn truyền thông của Nga, Ukraine và từ chính các học trò của ông.
Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 1Hình ảnh võ sư Hoàng Vĩnh Giang luyện tập trong những ngày ở Nga (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Báo chí đã viết nhiều về Nguyên phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, nhưng có những chi tiết về những năm tháng ông ở Nga (Liên Xô cũ) mà đến nay vẫn ít người được biết. 

VietnamPlus xin được giới thiệu bài viết của tác giả Phan Việt Hùng về những câu chuyện về con người đặc biệt của thể thao Việt Nam khi ông ở Nga, Ukraina thông qua những thông tin được tìm hiểu được qua mạng và từ chính các học trò của ông và từ những kỷ niệm của chính tác giả với vị võ sư, nhà cựu lãnh đạo toàn tài của làng thể thao Việt Nam.

Người đặt nền móng môn Vĩnh Xuân ở Nga và các nước SNG

Chiều 17/6/1981, nghiên cứu sinh Hoàng Vĩnh Giang đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sỹ khoa học giáo dục tại Trường Đại học Thể dục quốc gia Kiev.

Luận án của ông có tên “Hiệu quả phương pháp thở hạn chế để nâng cao sức bền của vận động viên chạy 800m, người hướng dẫn ông là Phó Giáo sư, Phó Tiến sỹ V.A.Sirenko.

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 2Bìa tóm tắt luận án PTS của võ sư Hoàng Vĩnh Giang (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Không biết các vị giáo sư Xô viết ngồi trong Hội đồng hôm đó có biết người đàn ông 35 tuổi đang bảo vệ luận án là kỷ lục gia Việt Nam môn nhảy cao và là một võ sư danh tiếng lẫy lừng ở Kiev lúc bấy giờ hay không?

Trang web của Liên đoàn Vịnh Xuân Ukraine ghi rõ hơn 40 năm trước, Hoàng Vĩnh Giang là người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển môn võ Vịnh Xuân tại Ukraine và Kiev chính là cái nôi để phát triển rộng rãi Vịnh Xuân ra các nước thuộc Liên Xô và SNG sau này.

Một ngày cuối năm 1977, Georgy Kuzmin, một môn sinh Việt Võ Đạo tại Kiev được thầy giới thiệu làm quen với Hoàng Vĩnh Giang, khi đó mới từ Việt Nam đang làm nghiên cứu sinh.

[“Kiến trúc sư” của ngành thể thao Việt Nam, Hoàng Vĩnh Giang từ giã cõi tạm]

Ngay mùa Xuân năm 1978, Hoàng Vĩnh Giang đã mở lớp dạy võ Vịnh Xuân đầu tiên ở Liên Xô, với hơn chục môn sinh: anh em nhà Georgy Kuzmin, Vitaly Minenko và khoảng 5,6 đệ tử, Vladimir Ilarionov - nhà vô địch tuyệt đối LX môn karate lặn lội đến từ Leningrad, Yury Vyalkov từ thủ đô Alma Ata của nước Cộng hòa Kazakhstan xa xôi...

Đặc biệt trong số này, có Vladimir Platonov, đương kim Hiệu trưởng trường Đại học Thể dục thể thao Kiev, nơi Hoàng Vĩnh Giang làm nghiên cứu sinh.

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 3Hình ảnh võ sư Hoàng Vĩnh Giang huấn luyện cho các môn sinh. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Chính ông sau này đã nói với các bạn, các khoa trong trường Kiev dồn các trang thiết bị dụng cụ dạy, tập luyện thể thao cho Hoàng Vĩnh Giang mang về Việt Nam để cho các vận động viên tập luyện.

Những trang thiết bị đó đã góp phần khơi nên mỏ vàng cho thể thao Việt Nam nhiều năm sau này.

Cũng trong năm 1978, Hoàng Vĩnh Giang cùng một số môn sinh thân tín lên thủ đô Moskva tìm cách phát triển võ Vịnh Xuân tại thủ đô Liên Xô.

Với tài ngoại giao, thông thạo nhiều ngoại ngữ, kiến thức võ học dày dặn, ông mau chóng thu nạp được nhiều môn sinh tại Moskva, nơi đang có phong trào tập luyện võ thuật phương Đông.

Môn sinh khắp SNG

Sau này, khi Vịnh Xuân đã có tiếng vang, Hoàng Vĩnh Giang cử các môn sinh của mình làm đại diện tại các nước Cộng hòa: tại Ukraine là Vitaly Krepak, tại Kazakhstan là Yury Vyalkov (môn sinh dự lớp học võ đầu tiên), tại Moskva là Valery Martynov...

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 4Sư phụ Hoàng Vĩnh Giang và các môn sinh. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Valery Martynov đã tích cực phát triển Vịnh Xuân tại Moskva cho đến tận ngày nay. Ông đã nhiều lần được đón sư phụ Hoàng Vĩnh Giang sang võ đường tại Moskva (năm 1996, 2001, 2014...).

Tại đó, võ sư Hoàng Vĩnh Giang đã được các võ sinh chào đón rất trọng thị và ông, với vốn tiếng Nga hoàn hảo, đã thị phạm, chỉ dẫn cho các môn sinh rất cặn kẽ.

Khi hay tin người thầy của mình qua đời, Valery Martynov đã đăng nhiều status bày tỏ lòng tiếc thương ông Hoàng Vĩnh Giang. Martynov viết: "Một con người vĩ đại đã ra đi - Ngưởi thầy, người bạn (của tôi) Hoàng Vĩnh Giang.”

Trên trang của Vịnh Xuân quyền với hơn 3.000 thành viên, có nhiều người Nga đã bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương vị võ sư người Việt.

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 5Igor Patrushev, Mironenko, Kuzmin: những học trò đầu tiên của thầy Giang nay đã thành danh. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Một người dùng có tên Olesya Bobrovnitskaya viết:” Một con người kỳ lạ và hiếm có. Ông là một trong những người mà chỉ gặp một lần nhưng sẽ nhớ mãi cả đời. Không còn từ nào để diễn tả nữa.”

Dmitry Stepanov viết: “Đóng góp của ông vào việc phát triển võ thuật ở Liên Xô là vô giá. Nhiều người bắt đầu luyện tập võ thuật vào thập niên 70 và sau này thành danh, đều là môn sinh của ông.”

Igor Zakashansky viết: “Một con người vĩ đại đã ra đi. Thật là đau đớn. Tôi rất may là tuần trước mới được nói chuyện với ông. Những ai từng gần gũi với ông mới cảm nhận hết nỗi mất mát này. Không chỉ mất đi một võ sư Vịnh Xuân, chúng ta còn mất đi một con người đặc biệt. Tôi học được ở ông Giang cách nhìn nhận thực tế cao hơn là tham vọng cá nhân. Chúng ta cần phải cố gắng để xứng đáng với những ký ức về ông.”

Ký ức về một nhân cách với lớp phóng viên trẻ

"Trong bài viết tiễn biệt chú Ngô Tử Hà cách đây không lâu, mình mới nhắc đến chú Hoàng Vĩnh Giang, như một ân nhân," tác giả Phan Việt Hùng chia sẻ.

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 6 Võ sư Hoàng Vĩnh Giang được mệnh danh là Lý Tử Long của Việt Nam. (Ảnh: Tác giả cung cấp.
 

Câu chuyện là như thế này: Giải bóng đá thiếu niên nhi đồng toàn quốc đến nay đã tổ chức liên tục được 25 mùa, nằm trong Hệ thống thi đấu quốc gia. Tiền thân của nó là Giải bóng đá nhi đồng Hà Nội mở rộng do báo Nhi Đồng tổ chức.

Khi giải này chuẩn bị tổ chức, Hoàng Vĩnh Giang đang đảm nhiệm chức Giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội, trong một lần tôi và một nữ đồng nghiệp đến liên hệ tìm hiểu thông tin, vị giám đốc rất vồn vã mời vào phòng và... quên biến mất 2 phóng viên trẻ.

Ông cứ mải mê giải quyết công việc, người ra người vào liên tục, rồi chú trả lời điện thoại bàn (hồi đó Việt Nam chưa có điện thoại đi động), hết “xoong thủng chảo thủng” với ai đó người Trung Quốc thì phải, lại Gút gút với ai đó bằng tiếng Anh, rồi lại Ố-chin Khơ-ra-sô với bác người Nga nào đó...

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 7Võ sư Hoàng Vĩnh Giang. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
 

Rồi mãi ông cũng phát hiện ra có 2 vị khách ngồi chờ từ lâu, xin lỗi rối rít rồi vào cuộc ngay. Ông gọi ngay ông Lê Văn Thủy, trưởng bộ môn bóng đá, ông Năng Sơn, giám đốc Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức sang giao việc. Biết báo Nhi Đồng còn nghèo, ông dặn dò giám đốc Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức hỗ trợ báo hết mức, miễn phí hết những gì có thể.

Sau này, khi được ngắm bức ảnh 2 ông, người đàn người hát thời bên Liên Xô...tôi mới biết ông và ông Năng Sơn là bạn học cùng thời bên Kiev. Những năm sau này, khi các cựu sinh viên từng học Liên Xô tổ chức gặp mặt hoành tráng, lúc thì tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, lúc tại Đại học Bách khoa, 2 người đàn ông này cùng nhau lên sân khấu.

Hình ảnh những mái đầu đã bạc, vẫn đệm đàn và hát say sưa những ca khúc Nga mà trong đó có bài "Cánh đồng Nga" ( Русское поле)... Nghe họ hát, tôi có cảm tưởng như họ đang thả hết tâm hồn sang mảnh đất xa xôi một thời tuổi trẻ...

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 8Hình ảnh võ sư Hoàng Vĩnh Giang luyện tập trong những ngày ở Nga (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Một lần, cách đây cũng khoảng trên 20 năm, cũng chẳng nhớ dịp gì, tôi có mặt trong một buổi liên hoan tại Trung tâm bóng đá trẻ của Sở bên Gia Lâm.

Bữa đó có rượu vang, nhưng oái ăm lại không có cái mở. Giữa lúc mọi người đang loay hoay thì vị võ sư cởi phắt cái áo vest dạ kẻ mà ông đang mặc, nhét chai rượu vang vào, quấn kỹ rồi nện liên tục phía đáy chai vào tường...

Mở ra, kỳ lạ thay, chiếc nút bấc đã trồi ra được một nửa, rút cái là ra. Ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. Bí kíp mở rượu vang có một không hai này của ông làm tôi nhớ mãi, như nhớ về một ông Ivan vậm vạp nào đó, đang vung búa làm nên ngôi nhà gỗ của mình.

Chất Nga chắc hẳn đã thấm rất đậm vào con người võ sư Hoàng Vĩnh Giang. Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, tôi đã được tiếp cận với những clip ông chỉ dẫn cho các môn sinh ở Nga, Armenia...

Xem đi xem lại nhiều lần, tôi thấy được sự tận tâm của ông cũng như thứ tiếng Nga "thuần khiết" mà ông có. Vó sư Hoàng Vĩnh Giang nói tiếng Nga cực tốt, tự nhiên, với ngữ điệu Nga chuẩn...

Người võ sư thấm đẫm chất nghệ sĩ

Ở Hoàng Vĩnh Giang, luôn tồn tại một người nghệ sỹ song hành với con người gắn liền với những kỳ tích lẫy lừng trong thể thao.

Nhiều năm gần đây, ông cùng một số anh em chiến hữu học Liên Xô về đều đặn tổ chức các đêm nhạc Nga (Liên Xô).

Gần đây nhất, ngày 6/11/2019, tôi đã được dự một đêm nhạc như thế tại Nhạc viện Hà Nội, một địa điểm rất sang trọng. Chủ đề đêm nhạc là "Thời tuổi trẻ (Молодость) - Nhạc hội Việt Nam-Liên Xô."

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 9Hình ảnh vé của Nhạc hội "Thời tuổi trẻ (Молодость) - Nhạc hội Việt Nam-Liên Xô.". (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Lâu lắm rồi mới nhìn thấy cái tên đất nước này trên phông chính của một chương trình ca nhạc. Đất nước với những con người mà đã nhiều lần ông trả lời phỏng vấn là rất biết ơn. Đêm nhạc này thật đặc biệt, bởi trong chương trình có gần hết bài hát của 15 nước Cộng hòa của Liên Xô ngày nào. Có một sự kỳ công nào hơn thế?

Đêm đó, "ca sỹ" 73 tuổi Hoàng Vĩnh Giang lên sân khấu hát mấy bài. Ông hát bài "Đàn sếu" đầy cảm xúc, nghe tình cảm da diết một cách lạ lùng. Phía sau lưng ông là màn ảnh, chiếu hình đàn sếu đang bay thành hình chiếc nêm, là hoá thân của những người lính vĩnh viễn nằm lại chiến trường..

Có phải ông đang nhớ đến người anh trai của mình đã hy sinh tại chiến trường B?  Hình như ông đặc biệt thích những bài hát thời chiến tranh Vệ quốc thì phải. Ông hát "Đêm đen" ( Темная ночь), "Ôi, những con đường" ( Эх, дороги), rồi "Khoảnh khắc" - bài hát trong “Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân” cũng rất tuyệt.

Chuyện chưa kể về người đầu tiên viết trang sử Vĩnh Xuân trên đất Nga ảnh 10Võ sư Hoàng Vĩnh Giang hát ca khúc "Đàn sếu" trong đêm Nhạc hội Việt Nam-Liên Xô 6/11/2019. (Ảnh: Tác giả cung cấp)

Đó là cũng là lần cuối cùng tôi gặp ông, người võ sư đáng kính, “kiến trúc sư” của ngành thể thao Việt Nam, người đã đặt nền móng vững chắc cho những thành công của thể thao Việt Nam tại đấu trường như SEA Games, Olympic...

Có những con người thú vị đã ra đi. Người ở lại sẽ còn nhớ mãi những con người như thế...

Võ sư Hoàng Vĩnh Giang hát ca khúc "Khoảnh khắc" - bài hát trong phim “Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân.” (Nguồn: Tác giả cung cấp)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.