Chuyển đổi số bất động sản: Con đường khó, nhưng phải bước tới

Theo giới chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam là quá trình dài, nhiều khó khăn, tốc độ đang chậm. Song, đây là con đường phải bước tới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhấn mạnh proptech (việc sử dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bất động sản) là xu hướng tất yếu, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng đây là giải pháp quan trọng để kích cầu thị trường bất động sản. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số phù hợp để giành được vị thế cạnh tranh.

Xu thế tất yếu

Tại Diễn đàn bất động sản năm 2022 với chủ đề “Proptech - xu hướng tất yếu của thị trường” diễn ra chiều 13/12, nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là xu hướng tất yếu làm thay đổi nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Trong “dòng chảy” đó, từ năm 2017, chuyển đổi số ở Việt Nam đã được nhiều người nhắc đến. Cho đến nay, công cuộc chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ tại nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Đây là ngành kinh tế có vai trò đầu tàu của cả nền kinh tế, trong đó những năm gần đây đóng góp khoảng 11% GDP cả nước.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi số là tất yếu, mang tính sống còn. Cả thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ, không có lý do gì Việt Nam không bắt kịp xu hướng này.”

[Sẽ thanh tra dự án trên 100 tỷ đồng do bộ, ngành và địa phương quản lý]

Cũng theo ông Hà, tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực địa ốc tại Việt Nam hiện nay rất lớn. Ngoài những lợi ích có thể nhìn thấy của công nghệ số như giúp rút ngắn thời gian, chi phí, nhân lực trong quá trình tìm hiểu, mua bán thì về lâu dài, chuyển đổi số còn giúp thị trường lưu thông ổn định, minh bạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường hiện nay, chuyển đổi số còn giúp bất động sản tăng tính thanh khoản và kết nối cung-cầu nhịp nhàng hơn.

Theo ông Hà, proptech phát triển đáp ứng 3 yếu tố cơ bản của thị trường bất động sản gồm: Cung cấp thông tin (hỗ trợ truy cập dữ liệu nhanh và rẻ hơn, lưu trữ và khôi phục thông tin trực tuyến); hỗ trợ giao dịch (thiết lập các nền tảng trực tuyến để tham khảo, giao dịch bất động sản, ký hợp đồng, bán nhà) và quản lý các quá trình, giúp chủ sở hữu điều khiển công việc liên quan đến bất động sản bằng trực quan giao diện quản lý, cung cấp dịch vụ tiện ích, tối ưu hóa an ninh.

Ông Nguyễn Công Chính, đại diện Công ty Cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết hiện proptech ở nước ta được biết đến với vai trò cung cấp các ứng dụng, nền tảng kinh tế cho bất động sản. Hiện nay, nhiều chủ đầu tư lớn, công ty môi giới bất động sản cũng tự xây dựng những phần mềm riêng để triển khai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng proptech ở Việt Nam sẽ là quá trình dài, nhiều khó khăn, tốc độ đang chậm bởi các chủ thể tham gia thị trường bất động sản không phải ai cũng nhận thức về công nghệ đầy đủ. Trong khi đó, công nghệ phức tạp, yêu cầu bảo mật cao, dữ liệu bất động sản ở nước ta chưa tốt, vốn đầu tư còn thiếu. Song, đây là con đường phải bước tới.

Cơ hội “mở khóa” thị trường

Chuyên gia proptech Hoàng Mai Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Meey Land cho biết nhược điểm của proptech ở Việt Nam là chưa có dữ liệu người dùng lớn. Lực lượng nhân sự có trình độ công nghệ cao, nắm bắt tốt về bất động sản đang thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các đơn vị phát triển proptech. Trong khi, thị trường bất động sản có nhiều biến động về pháp lý, vốn.

Diễn đàn bất động sản năm 2022 với chủ đề “Proptech - xu hướng tất yếu của thị trường.” (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Chung, những khó khăn trên khiến tốc độ ứng dụng công nghệ vào bất động sản ở nước ta còn chậm, đi sau một số ngành, lĩnh vực khác. Việc phát triển proptech cũng chưa toàn diện mà thông thường mỗi đơn vị chỉ giải quyết một góc nhỏ nhu cầu của thị trường, chủ yếu ở mảng cho thuê bất động sản.

Tuy vậy, ông Chung lưu ý về lâu dài, tiềm năng proptech sẽ rất tốt do có thị trường bất động sản lớn; số lượng đối tượng tham gia vào chuỗi bất động sản sẽ đông đảo từ khách hàng cá nhân, tổ chức ở các khâu giao dịch mua bán, cho thuê, bảo trì.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định proptech cần thời gian, kinh phí đáng kể nhưng sẽ mang lại nhiều hiệu quả như: Tạo cơ sở phát triển thị trường bền vững, ít trồi sụt, thiếu bền vững như hiện nay; thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch thị trường.

Đặc biệt, việc áp dụng proptech sẽ thay đổi được các cách thức giao dịch bất động sản, mang lại lợi ích cho cả các chủ đầu tư dự án và người mua hàng; gắn kết được các cơ quan nhà nước có liên quan việc quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ của quản lý nhà nước; đủ cơ sở để phát triển thị trường theo hướng xanh và thông minh, mang lại lợi ích chung cho quốc gia và từng người dân.

Có chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh tốc độ chuyển đổi số là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành bại của mỗi doanh nghiệp.

“Tương lai, doanh nghiệp bất động sản chậm chân chuyển đổi số sẽ khó có chỗ đứng trên thương trường. Do vậy, mỗi doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng nắm bắt, có chiến lược chuyển đổi số để giành được vị thế cạnh tranh,” ông Đính nói.

Góp thêm ý kiến, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng trong bối cảnh thị trường hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng và thực thi chiến lược, mô hình kinh doanh phù hợp với thời đại số; nghiên cứu, tính toán phương án tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin, nhất là những hạ tầng quan trọng như phần mềm quản trị điều hành, cơ sở dữ liệu về thị trường và khách hàng, các kênh phân phối số.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bất động sản cần tăng cường hợp tác với các proptech trên thị trường thông qua hoạt động đầu tư. Việc hợp tác này cũng có nhiều lợi ích cho các proptech, bởi các công ty này thường thiếu kinh nghiệm trong thị trường bất động sản Việt Nam, trong khi đây là những điểm mạnh của các doanh nghiệp bất động sản truyền thống. Mối quan hệ hợp tác vì thế sẽ mang lại lợi ích cho cả 2 bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục