Chuyển đổi số thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ

Khởi nghiệp là xu hướng và sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ ngày nay, tuy nhiên thế hệ trẻ Việt Nam cũng cần một sân chơi thiết thực để có thể học cách nghiên cứu, phân tích và hoạch định chiến lược.
Saigon Innovation Hub là không gian làm việc chung của nhiều startup tại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thời gian qua, ngành Giáo dục đã có những chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ đối với hệ thống đào tạo mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục tại các trường Trung học phổ thông" vừa tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Lê Khắc Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), cho biết những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại cho nhân loại không phải bàn cãi như giúp tiếp cận thông tin nhiều, nhanh và chính xác hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian và các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên.

Nội dung chuyển đổi số rất đa dạng, gồm chính phủ số (dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông, y tế, giáo dục).

Việt Nam đã có những chuyển động tích cực cho hoạt động chuyển đổi số. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 749/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030." Theo quyết định này, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số.

Cụ thể, nền tảng cơ bản của chuyển đổi số của lĩnh vực giáo dục dựa trên các nền tảng như cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, dữ liệu số bên cạnh chủ trương, chính sách và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên, giáo viên, người học…

Chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ không chỉ hỗ trợ hệ thống đào tạo mà còn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Vừa qua, Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ký hợp tác toàn diện với hàng loạt Tập đoàn và doanh nghiệp lớn.

HIU cũng ra mắt chính thức ra mắt Hội đồng Cố vấn doanh nhân, gồm các doanh nhân có uy tín, có đóng góp cho các hoạt động xã hội và mong muốn thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Hội đồng Cố vấn doanh nhân có vai trò kết nối doanh nghiệp nhằm đem đến các cơ hội hợp tác thực hành, thực tập và phát triển ngân hàng dữ liệu việc làm cho sinh viên; đồng hành cùng sinh viên, học sinh lan tỏa tinh thần doanh doanh nhân, doanh nghiệp, cũng như hỗ trợ những dự án khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

[TP.HCM: Điểm sáng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa 'tâm dịch']

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn doanh nhân, đồng thời là Giám đốc điều hành Công ty cổ phần văn hóa sách Sài Gòn (Saigon Books) cho biết, tinh thần khởi nghiệp là một yếu tố rất quan trọng, không chỉ với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp mà còn đối với thế hệ trẻ như sinh viên học sinh.

Chính sự nhiệt huyết, sáng tạo của thế hệ trẻ sẽ giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp vun đắp những ý tưởng mới và ngược lại cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ và với những kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước.

Ảnh minh họa. (Nguồn: business-review.eu)

"Sự kiện HIU ký kết hợp tác với hàng loạt doanh nghiệp lớn, cùng việc chính thức ra mắt Hội đồng cố vấn doanh nhân thể hiện sự kết nối mạnh mẽ của HIU với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, nâng cao giá trị và ý nghĩa của mối quan hệ doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời hiện thực cam kết sẵn sàng hỗ trợ thế hệ trẻ thành công và đạt hiệu quả cao hơn trong khởi nghiệp," ông Nguyễn Tấn Quỳnh chia sẻ thêm.

Khởi nghiệp đang là xu hướng và sự lựa chọn của nhiều bạn trẻ ngày nay, tuy nhiên thế hệ trẻ Việt Nam cũng cần một sân chơi thiết thực để có thể học cách nghiên cứu, phân tích và hoạch định chiến lược chính xác.

Hiện nay, tại nhiều hệ thống đào tạo, khởi nghiệp cũng là hoạt động đóng vai trò quan trọng trong công tác giảng dạy của nhà trường, thông qua đó khuyến khích các sinh viên thay đổi tư duy, nhận thức, dám suy nghĩ và có những khát vọng lớn.

Ông Bung Trần, Chủ tịch AI Education (Đơn vị ủy quyền đào tạo của Google For Education và dịch vụ web Amazon Educate tại Việt Nam) chia sẻ, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, làm việc, cũng như phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số.

Đối với hệ thống đào tạo, những chương trình giáo dục và định hướng khởi nghiệp cần giúp thế hệ trẻ trang bị kỹ năng cần thiết về thị trường lao động 4.0 và tăng khả năng làm chủ.

Con người vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tìm kiếm, thử nhiệm giải pháp, không gian mới... của quy trình chuyển đổi số. Công nghệ chưa bao giờ nằm ở hạng 1, cụ thể công thức để thay đổi gồm 3M: men (con người), methodology (phương pháp luận, phương thức triển khai) và vấn đề thứ 3 mới là machine (máy móc, trang thiết bị).

Là quán quân một cuộc thi khởi nghiệp, sinh viên Phan Thị Tuyết Hạnh, ngành Quản trị kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khởi nghiệp có thể bắt đầu ở mọi độ tuổi và tinh thần khởi nghiệp trẻ, tự tin dám hành động sẽ là bước đệm của thành công trong tương lai.

Sau cuộc thi khởi nghiệp, Tuyết Hạnh mong muốn được vận dụng những tri thức và hành động để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo giảm đói nghèo, nâng cao kiến thức công nghệ và kỹ năng ngôn ngữ đến với mọi người, nhất là các trẻ em nghèo và yếu thế.

Xu hướng khởi nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ những hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ứng dụng các kỹ thuật công nghệ vào trong sản xuất và đời sống của thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, đây là cơ hội để thế hệ trẻ Việt Nam tiếp cận nhanh với công nghệ 4.0 góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa...của đất nước và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục