Chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh: Chia sẻ thực tiễn quốc tế và Việt Nam

Theo Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải Quang, vấn đề quan trọng của chuyển đổi số chính là con người và tư duy để tạo ra một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí cả văn hóa tòa soạn.

Các chuyên gia, diễn giả truyền thông đến từ các đài phát phát thanh chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số phát thanh truyền hình tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)
Các chuyên gia, diễn giả truyền thông đến từ các đài phát phát thanh chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số phát thanh truyền hình tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang cho biết gần đây, cụm từ "chuyển đổi số báo chí" liên tục được nhắc đến, tuy nhiên, thực chất để hiểu và triển khai thì không hề dễ dàng.

Ông Vũ Hải Quang đưa ra quan điểm trên tại Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam" do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tại thành phố Thanh Hóa ngày 12/7.

Hội thảo, nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XVI năm 2024, có sự tham gia của hơn 300 đại biểu là các chuyên gia, diễn giả truyền thông từ các đài phát thanh truyền hình uy tín trong khu vực và các phóng viên, biên tập viên đến từ các đài phát thanh trên toàn quốc.

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang, tại nhiều cơ quan báo chí, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng cho quá trình tác nghiệp và phát sóng, xuất bản tới công chúng. Vấn đề quan trọng nữa của chuyển đổi số chính là con người và tư duy để tạo ra một quy trình sản xuất mới, những thông tin mới, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số...

Rõ ràng, không có công nghệ thì không thể có chuyển đổi số hiệu quả nhưng không có con người thì dù có đầu tư công nghệ lớn đến đâu cũng chưa chắc đã thực hiện được.

Chính vì thế, để chuyển đổi số báo chí thực sự đi vào đời sống, theo ông Vũ Hải Quang, cần sự thay đổi lớn ở chính những người làm báo. Thay đổi để phù hợp, thay đổi để phát triển. Câu chuyện không chỉ một sớm một chiều nhưng lại là tương lai của phát thanh truyền hình trong công cuộc chinh phục công chúng.

Thông qua các bài tham luận, chia sẻ của các chuyên gia, diễn giả truyền thông, hội thảo đặt ra thực trạng, với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, có thể nhận thấy sự suy giảm của báo in và các loại hình báo chí truyền thống.

Thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter..., các ứng dụng OTT như Youtube, Tiktok, các ứng dụng xem phim, xem truyền hình trực tuyến... Những thay đổi này đã và đang tạo nên áp lực phải nhanh chóng đổi mới để thích ứng và phát triển đối với các đài phát thanh, truyền hình.

Chuyển đổi số là một giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và định hướng của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, đây là một hành trình không đơn giản, gặp nhiều rào cản, thách thức.

Trước thực tế đó, tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả truyền thông đã chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số của một số đài phát thanh truyền hình trên thế giới; cập nhật các xu hướng công nghệ như hệ thống lưu trữ số, các nền tảng phân phối và quản lý nội dung số…

Các chuyên gia, diễn giả truyền thông đến từ các đài phát thanh cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quản lý mô hình tòa soạn hội tụ; kinh nghiệm thực tiễn từ quốc tế và Việt Nam khi ứng dụng công nghệ AI vào các hoạt động sản xuất chương trình, sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng...

Các giải pháp tăng tốc, an toàn thông tin và bảo vệ bản quyền trên không gian mạng cho ngành phát thanh truyền hình cũng được chia sẻ tại hội thảo.

ttxvn_chuyen doi so phat thanh 3.jpg
Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Phạm Mạnh Hùng chia sẻ các nội dung về chuyển đổi số phát thanh tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ông Matt O’Sullivan, Giám đốc ABC châu Á-Thái Bình Dương, đã chia sẻ về nội dung "Tòa soạn hội tụ và kinh nghiệm thực hiện chuyển đổi số hiện nay tại Đài ABC, Australia."

Với tham luận về "Hệ thống lưu trữ số và nền tảng quản lý nội dung: Kinh nghiệm thực tiễn từ Đài RTM, Malaysia," diễn giả Ahmad Shafiq Mirza Mansor, Trưởng Ban Kỹ thuật phát sóng Đài RTM đã chia sẻ kinh nghiệm số hóa truyền thông trong việc quản lý lưu trữ, hiệu quả chuyển giao; kinh nghiệm vận hành, khắc phục, bảo dưỡng cần thiết trong quá trình ứng dụng công nghệ AI/ML vào toàn bộ quy trình hoạt động phát sóng...

Để làm được điều này, theo diễn giả, đòi hỏi sự phối hợp của cả yếu tố kỹ thuật và con người, sự tham gia từ phóng viên, quay phim, biên tập hình ảnh, nhà sản xuất, kỹ sư phát sóng.

Ông Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam), chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng AI trong tác nghiệp đa phương tiện. Cụ thể, AI đã làm thay đổi quy trình tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí số như thế nào; có thể sử dụng AI vào những bước, những khâu cụ thể nào trong sáng tạo nội dung số; ưu thế và hạn chế của AI trong sáng tạo nội dung báo chí…

Hội thảo quốc tế với chủ đề: “Chuyển đổi số phát thanh: Thực tiễn quốc tế và Việt Nam” có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành yêu cầu cấp thiết của tất cả ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có báo chí nói chung và ngành phát thanh truyền hình nói riêng.

Hội thảo giúp đội ngũ quản lý cũng như các biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên của các đài hiểu rõ hơn về chuyển đổi số để có thể thay đổi và thích ứng, xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp với cơ quan mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục