Chuyên gia: AI góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng năng suất lao động

Nhà sáng lập BlackRock, Larry Fink, đánh giá AI có tiềm năng to lớn trong việc tăng năng suất và chuyển đổi tỷ suất lợi nhận giữa các ngành, và công nghệ này sẽ hỗ trợ giảm lạm phát.
(Ảnh: AFP)

Các chuyên gia Mỹ nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng về năng suất lao động trong tương lai.

Theo nhà sáng lập BlackRock, Larry Fink, suy giảm năng suất đã trở thành vấn đề trọng tâm trong nền kinh tế toàn cầu và AI giai đoạn tới có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng năng suất được cho là do tình trạng lạm phát kéo dài gây ra.

Ông Fink đánh giá AI có tiềm năng to lớn trong việc tăng năng suất và chuyển đổi tỷ suất lợi nhận giữa các ngành, và công nghệ này sẽ hỗ trợ giảm lạm phát.

Báo cáo mới của công ty tư vấn McKinsev&Co cũng đồng quan điểm, cho rằng sự bùng nổ của AI trên toàn thế giới sẽ mở ra một thời đại tăng năng suất và thịnh vượng hơn.

Nghiên cứu của McKinsey khẳng định toàn bộ các hoạt động kinh doanh, từ bán hàng và tiếp thị đến hoạt động của khách hàng, được tăng cường trang bị các phần mềm ứng dụng AI sẽ mang lại lợi ích kinh tế tiềm năng lên tới 4.400 tỷ USD, chiếm 4,4% sản lượng của nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo cũng khẳng định xu hướng trên chỉ diễn ra với một số nhóm lao động, trong khi AI được cho là sẽ tạo ra áp lực đối với nhóm lao động tri thức, nhóm có thể khó bị ảnh hưởng bởi quá trình tự động hóa.

McKinsey&Co dự báo khoảng 75% giá trị tiềm năng từ công nghệ AI thế hệ mới sẽ được ứng dụng vào bốn nhóm hoạt động kinh doanh như quản lý khách hàng, tiếp thị và bán hàng, công nghệ phần mềm và nghiên cứu và phát triển (R&D).

[AI sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn thay vì sa thải hàng loạt]

Báo cáo lấy ví dụ chỉ riêng lĩnh vực ngân hàng có thể hưởng lợi thêm 200-340 tỷ USD từ việc năng suất được cải thiện, tương đương với việc lợi nhuận hoạt động tăng 9-15%.

Đáng chú ý, McKinsey cho rằng chỉ riêng trong mảng R&D, công nghệ AI thế hệ mới cũng đã có thể giúp đạt mức tăng năng suất thêm 10-15%, tăng thêm tới 25% lợi nhuận cho một số nhóm doanh nghiệp, trong đó có các công ty dược phẩm và sản phẩm y tế.

Một số ý kiến cho biết các nhận định của McKinsey về lực lượng lao động cơ bản tương đồng với tài liệu nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia được công bố trước đó.

Tài liệu cũng đưa ra khả năng về xu hướng tái tổ chức lao động trong giai đoạn tới, khi các khoản đầu tư vào AI sẽ làm thay đổi cấu trúc phân cấp của các công ty, trong đó tỷ lệ lao động ở cấp cơ sở sẽ tăng lên, trong khi lực lượng ở cấp quản lý trung và cao cấp được cho là sẽ suy giảm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục