Các Hội nghị Cấp cao ASEAN diễn ra từ ngày 12-15/11 đã kết thúc tốt đẹp, với kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thách thức đặt ra với khu vực Đông Nam Á trong năm nay.
VietnamPlus xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Pankaj Jha trên trang mạng Modern Policy về những kỳ vọng và thách thức của Hội nghị.
Các hội nghị thảo luận nhiều lĩnh vực khác nhau về an ninh khu vực, thương mại, đầu tư, giải quyết các thách thức liên quan cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, phát triển sứ mệnh và đồng thuận đối với tầm nhìn cộng đồng ASEAN, bảo vệ môi trường, vấn đề rác thải biển, ô nhiễm nước sông và khói mù xuyên biên giới.
Một trong những lĩnh vực quan trọng được thảo luận trong các cuộc họp trù bị của ASEAN và cả Hội nghị Cấp cao Đông Á tiếp theo liên quan đến duy trì hòa bình và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, đặc biệt tại Biển Đông, nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ UNCLOS và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Một trong những dấu mốc quan trọng của ASEAN trong hai thập kỷ vừa qua là mở rộng quan hệ đối với Canada, Chile, EU và nhiều nước khác, góp phần vào phát triển và đầu tư trực tiếp nước ngoài tại khu vực.
Cần phát triển thêm những quan hệ với đối tác mới bên cạnh những quan hệ đối tác hiện có để thúc đẩy triển vọng phát triển kinh tế và tăng trưởng.
Trước đây, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) đã gặp nhiều trở ngại nhưng các nước đối tác mới như Cuba, Colombia và Nam Phi đã ký kết TAC.
TAC được xem như là một yếu tố quan trọng duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Cần củng cố tiến trình này để đáp ứng những nước mới tham gia.
Một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra vào năm ngoái là khái niệm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, sẽ có những cuộc thảo luận về cách thức triển khai của ASEAN liên quan khái niệm địa chính trị này.
Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chỉ ra hợp tác có thể được triển khai trong các lĩnh vực kết nối hàng hải, an ninh, thúc đẩy phát triển bền vững và đề ra những con đường kinh tế mới.
Vấn đề kết nạp thành viên mới cũng có thể được thảo luận. Trong những năm vừa qua, Timor-Leste đang nỗ lực gia nhập ASEAN song nước này cần đáp ứng một số tiêu chí cơ bản mà có thể được thảo luận trong hội nghị ASEAN sắp tới.
Đối với ASEAN, thu hút sự tham gia của chính quyền đảng Dân chủ mới của Mỹ và duy trì sự quan tâm mà Mỹ vốn vẫn luôn giành cho khu vực, đặc biệt là đối với Biển Đông, cũng như cung cấp khí tài quân sự cho những nước đang ở trong tình trạng căng thẳng với Trung Quốc là vấn đề rất quan trọng.
Trên thực tế, với việc Indonesia và Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiều khả năng các đối tác đối thoại của ASEAN và hai nước này sẽ đề ra những vấn đề thiết yếu mà có thể được giải quyết ở cấp cao nhất.
Một trong những lĩnh vực ASEAN có thể nghiên cứu là hợp tác sâu rộng với Liên hợp quốc bởi nhiều nước Đông Nam Á đang tiếp cận Liên hợp quốc và những cơ quan trực thuộc liên quan các vụ việc của họ, cho thấy tiềm năng hợp tác của hai tổ chức này.
ASEAN cũng cần thúc đẩy nhóm đánh giá và phản ứng khẩn cấp, trong đó bao gồm nhiệm vụ tái định cư và hồi hương những người di tản trong khu vực sau đại dịch COVID-19.
Sự an toàn trên Biển Đông và duy trì tự do hàng hải, hàng không là vô cùng quan trọng đối với thương mại hàng hải khu vực cũng như hàng không dân dụng.
Tuyên bố năm 2002 về quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông đã không được Trung Quốc coi trọng với vai trò một đối tác đối thoại. Do đó, Bộ quy tắc ứng xử (COC) cần được đưa ra thảo luận trong các cuộc họp giữa ASEAN và các đối tác đối thoại.
[Hội nghị ASEAN 37: Thắt chặt quan hệ hợp tác với các đối tác]
Có thể thấy niềm tin giữa các bên tham gia tranh chấp đã giảm sút, làm xáo trộn hòa bình và ổn định tại Biển Đông.
Những diễn biến liên quan tình hình bán đảo Triều Tiên và cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ với sự tham gia của hai nước Đông Nam Á (Singapore và Việt Nam) đã đem đến hy vọng rằng hòa bình có thể được thiết lập trên bán đảo này.
Khả năng tiếp tục cuộc đàm phán dưới chính quyền mới tại Mỹ có thể được thảo luận bên lề hội nghị.
Năm nay, các nền kinh tế Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và lũ lụt, do đó cần có sự đồng thuận trên lĩnh vực y học, quy trình tiêu chuẩn và hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN.
Một trong những sáng kiến quan trọng được Việt Nam triển khai là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN hồi tháng 2/2020, theo đó ghi nhận rằng đại dịch do virus corona gây ra đã và đang tác động nghiêm trọng tới an ninh và ổn định khu vực, cần nhìn nhận rằng đây là tình trạng y tế khẩn cấp.
Tuyên bố Chủ tịch về phản ứng tập thể của ASEAN đã được thông qua, theo đó cần có hợp tác chặt chẽ về quân y và thông qua mạng lưới chuyên gia sinh hoá, phóng xạ trên khắp Đông Nam Á.
Một sáng kiến khác được đưa ra tại Hội nghị là tăng cường hợp tác thực tế giữa các cơ sở quốc phòng để đối phó với đại dịch và chia sẻ những thực tiễn triển khai tốt nhất, cũng như thu hút sự tham gia của Trung tâm quân y ASEAN trong thực hiện các nghiên cứu liên quan.
Hội nghị tuyên bố cần đưa ra những sáng kiến và cách thức mới để đối phó với tin giả mà có thể làm gia tăng sự lo lắng của người dân, cũng như cản trở các hoạt động hợp tác trong ASEAN.
Liên quan nhiệm vụ của ASEAN, cần phải giải quyết các tác động của COVID-19 đối với lao động và việc làm để đảm bảo quyền lợi người lao động nhập cư, phát triển phương thức lao động tiến bộ nhằm nâng cao sự cạnh tranh trong ASEAN cũng như hướng dẫn về an toàn và y tế trong khu vực.
ASEAN đã và đang phát triển nguồn nhân lực cũng như mạng lưới giáo dục kỹ thuật và phát triển kỹ năng.
Trong khi ASEAN đang chuẩn bị thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn là rất quan trọng, từ đó cung cấp cơ hội việc làm và tăng trưởng thường xuyên cho lao động toàn khu vực.
Nhiều nước Đông Nam Á là nơi tập trung các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp nhiều cơ hội việc làm. Vì vậy, cần phát triển các phương thức lao động hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi người lao động.
Một trong những hội nghị quan trọng đã được tổ chức vào tháng 4/2020 nhằm tìm kiếm sự nhất trí từ 15 nước tham gia RCEP về việc đẩy nhanh nỗ lực hiện thực hoá thương mại tự do trong khu vực.
Việt Nam đã nhấn mạnh rằng nên mời Ấn Độ tham gia các cuộc đàm phán RCEP một lần nữa.
Tuyên bố Chủ tịch ASEAN tháng 6/2020 thừa nhận các trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng và nhu cầu kiểm soát đại dịch đóng vai trò quyết định trong củng cố khả năng phục hồi của xã hội và một lực lượng lao động khỏe mạnh.
Đáng chú ý, nhiều nước ASEAN là nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, nên việc phát triển mạnh mẽ chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi và thị trường có khống chế là rất quan trọng.
Vấn đề đối thoại giữa các chuyên gia ngành y tế cũng như thúc đẩy trao đổi kỹ thuật liên quan dữ liệu lớn (big data), y tế từ xa và giám sát dịch bệnh cũng cần được đưa ra thảo luận trong các hội nghị ASEAN sắp tới.
Quỹ ứng phó của ASEAN và chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế cấp khu vực sẽ giúp nhiều nước thông qua hợp tác xuyên ngành, cũng như giảm thiểu tác động của đại dịch.
Mặc dù đã biết rằng các hội nghị của cộng đồng ASEAN sẽ nêu bật những đánh giá giữa kỳ của các kế hoạch cộng đồng ASEAN 2025, song các vấn đề như nhạy cảm giới, phụ nữ trong nghị viện, thúc đẩy thanh niên ASEAN và trong cả liên nghị viện ASEAN sẽ là những vấn đề mà Việt Nam mong muốn có vai trò dẫn đầu.
Chủ đề ASEAN năm nay là “gắn kết và chủ động thích ứng”, do đó trọng tâm sẽ rơi vào tính trung tâm và đoàn kết của ASEAN.
Năm 2020 sẽ là cột mốc quan trọng để đánh giá kế hoạch hành động tương lai và cách thức triển khai của ASEAN với vai trò là một tổ chức thống nhất liên quan các vấn đề vật tư, thiết bị y tế, giải quyết trường hợp khẩn cấp về y tế cộng đồng, phát triển chương trình nghiên cứu và vắc-xin trongkhu vực.
Trước đây, ASEAN đã có nhiều hoạt động giải quyết hiệu quả các mối quan ngại về môi trường, an ninh phi truyền thống, đồng thời đưa ra các sáng kiến an ninh cấp khu vực.
Các sáng kiến liên quan hội nhập ASEAN giữa các nước Đông Nam Á lục địa có thể sẽ trở thành một ưu tiên nhằm phát triển giải pháp kinh tế bổ sung, phân công lao động khu vực và sản xuất hiệu quả hơn trên khắp Đông Nam Á.
Về sự kết nối trong ASEAN, các cuộc thảo luận sẽ xoay quanh dự án cơ sở hạ tầng, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, xây dựng kết nối người dân các nước, thúc đẩy liên kết giáo dục đại học giữa các đối tác đối thoại và các nước thành viên ASEAN.
Một trong những yếu tố quan trọng thường được thảo luận trong các cuộc họp ASEAN là phát triển mạng lưới thành phố thông minh, kết hợp sáng kiến nâng cao năng lực, phát triển kho kiến thức và chia sẻ các phương pháp hiệu quả nhất để phát triển bền vững, cũng như quản lý tài nguyên tốt hơn trong các thành phố.
Đối thoại liên quan cộng đồng ASEAN và những vấn đề an ninh chính trị, văn hoá cũng sẽ được đưa ra thảo luận như thường lệ. Tuy nhiên, các hội nghị liên kết như Hội nghị Cấp cao Đông Á, Diễn đàn khu vực ASEAN.. sẽ thảo luận về những diễn biến của tình hình quốc tế.
Không thể phủ nhận rằng mặc dù phần lớn các cuộc họp của ASEAN đều được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, song sự nỗ lực và thiện chí của tất cả các nước thành viên là rất cần thiết để Chủ tịch ASEAN có thể đưa ra kết luận hợp lý về các thoả thuận và hiểu biết được phát triển trong suốt những hội nghị ASEAN qua.
Với năng lực trong tay, Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên cương vị Chủ tịch ASEAN./.