Chuyên gia: ASEAN+3 cần tái xây dựng không gian tài khóa

Tiến sỹ Ling Hui Tan cho rằng các nước nên giảm dần các biện pháp hỗ trợ một cách có chọn lọc dựa trên đánh giá về nhu cầu và có thể đưa trở về mức như thời điểm trước đại dịch nếu tình hình ổn định.
Chuyên gia: ASEAN+3 cần tái xây dựng không gian tài khóa ảnh 1Đường phố ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Tiến sỹ Ling Hui Tan, nhà kinh tế trưởng, trưởng nhóm giám sát khu vực của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), các nước ASEAN+3 cần dỡ bỏ dần các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đã được áp dụng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 để từng bước tái xây dựng không gian tài khóa sau khi đã có nhiều nước mở cửa lại để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên TTXVN tại Malaysia cho biết Tiến sỹ Ling Hui Tan đã đưa ra phát biểu trên tại hội thảo trực tuyến do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và AMRO tổ chức với chủ đề “Phục hồi kinh tế ASEAN+3: Động lực mới của lạc quan và tăng trưởng.”

Tại hội thảo, bà nói rõ việc tái xây dựng không gian tài khóa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả bên trong và bên ngoài như đà phục hồi kinh tế, nhu cầu cần được hỗ trợ, tình trạng lạm phát toàn cầu, diễn biến đại dịch COVID-19 và tác động từ các yếu tố địa chính trị quốc tế.

[ASEAN+3 cam kết tăng cường hợp tác quân sự phòng chống đại dịch]

“Khi tăng trưởng kinh tế bắt đầu đi lên, các biện pháp hỗ trợ cần phải được dỡ bỏ nhưng cần làm hết sức cẩn thận, vì COVID-19 vẫn chưa bị xóa sổ và có nguy cơ cản trở phục hồi kinh tế,” bà nói.

Bên cạnh đó, những rủi ro và bất ổn mới bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình trạng lạm phát cao đang có xu hướng lan rộng trên toàn cầu cũng là những yếu tố cần lưu ý.

Cũng theo bà Ling Hui Tan, các quốc gia nên giảm dần các biện pháp hỗ trợ một cách có chọn lọc dựa trên đánh giá về nhu cầu và có thể đưa trở về mức như thời điểm trước đại dịch nếu tình hình ổn định.

Các chính phủ cần chuẩn bị một kế hoạch tài khóa rõ ràng với các mục tiêu cụ thể để định lượng các biện pháp cần thực hiện nhằm duy trì niềm tin của thị trường.

Ví dụ, một số nền kinh tế cần chú trọng tăng thu ngân sách thông qua việc tăng thuế hoặc áp thuế mới.

Một số khác cần rà soát chi tiêu toàn diện để giúp cân bằng các ưu tiên để đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho các nhóm dễ bị tổn thương hay phục vụ cho các ưu tiên phát triển dài hạn như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng thay vì theo đuổi chính sách “thắt lưng, buộc bụng.”

Về trung hạn, bà Ling Hui Tan cho rằng cần thúc đẩy cải cách cơ cấu tài khóa để có nhiều nguồn lực quy mô lớn hơn cho việc cân bằng và kết hợp các sáng kiến chính sách mới như số hóa và sáng kiến xanh.

Cũng tại hội thảo, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Hợp tác Khu vực của ADB, ông Lei Lei Song, cho rằng mặc dù ASEAN+3 được cho là sẽ phục hồi nhanh chóng sau đại dịch nhưng giá lương thực tăng cao đang trở thành mối lo trước mắt vì lương thực phụ thuộc nhiều vào nguồn phân bón nông nghiệp từ Nga và Ukraine.

Bên cạnh đó, ông Lei Lei Song cũng lưu ý đến những hậu quả tiềm tàng từ tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là ở khu vực châu Á vốn chiếm phần lớn lượng khí thải carbon trong những năm gần đây.

Ông Lei cho rằng các nước ASEAN+3 cần phải hành động để làm giảm tốc độ biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của tình trạng này, đồng thời coi đây là động lực tăng trưởng mới.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý đến việc các nền kinh tế phải bắt kịp làn sóng đầu tư và tăng cường đầu tư vào hai cuộc cách mạng đang diễn ra khác là công nghệ số và công nghệ xanh.

ASEAN+3 gồm 10 nước thành viên ASEAN và ba nước Đông Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục