Chuyên gia Australia đưa ra các kịch bản sau 1 năm thế giới tiêm chủng

Thế giới sẽ không trở lại các hoạt động du lịch, thương mại và chuỗi cung ứng bình thường cho đến năm 2024, trừ khi các quốc gia giàu có các hành động cụ thể.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư về y tế quốc tế Michael Toole và Phó Giám đốc Chương trình an ninh y tế Suman Majumdar thuộc Viện Burnet (Australia) vừa nêu một số thách thức mà thế giới sẽ phải đối mặt trong một năm tới khi triển khai rộng khắp chương trình tiêm chủng vaccine phòng dịch COVID-19.

Cụ thể, theo hai giáo sư người Australia này, việc phát triển vaccine an toàn và hiệu quả trong thời gian ngắn là sứ mệnh đầy tham vọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tuy nhiều, điều kỳ diệu là sau 12 tháng kể từ khi đại dịch được công bố, 8 loại vaccine ngừa COVID-19 đã được các nước trên thế giới chấp nhận. Loại vaccine thứ 9 (Novavax) cũng rất hứa hẹn.

[Cảnh báo sự chênh lệch quá lớn về triển khai tiêm vaccine COVID-19]

Cho đến nay, hơn 312 triệu người trên toàn thế giới đã được tiêm chủng với ít nhất một liều.

Trong khi hầu hết các quốc gia có thu nhập cao sẽ tiêm phòng cho toàn bộ dân số của họ vào năm 2022, 85 quốc gia nghèo lại phải đợi đến năm 2023. Điều này có nghĩa là thế giới sẽ không trở lại các hoạt động du lịch, thương mại và chuỗi cung ứng bình thường cho đến năm 2024, trừ khi các quốc gia giàu có các hành động như từ bỏ các bằng sáng chế, đa dạng hóa sản xuất và hỗ trợ phân phối vaccine để hỗ trợ các nước nghèo tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng.

Mặc dù các vaccine đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19, song vẫn cần có thêm các nghiên cứu trong năm 2021 để xác định vaccine có thời gian bảo vệ bao lâu, liệu có cần liều tăng cường hay không, có hiệu quả như thế nào ở trẻ em và tác động của nó đối với sự lây truyền của virus.

Người dân thưởng thức cafe ở Sydney, Australia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Có nhiều tín hiệu lạc quan khi một số nước triển khai tiêm vaccine sớm, chẳng hạn như Anh và Israel, đã dẫn tới tỷ lệ mắc mới giảm.

Theo hai nhà khoa học Australia, cho đến khi các nước đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng cao thông qua tiêm chủng, các biện pháp phòng chống bệnh dịch như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và rửa tay; cải thiện hệ thống thông gió trong nhà; và tăng cường các biện pháp ứng phó với ổ dịch, bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly, vẫn cần phải được duy trì.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu của sự chủ quan và nhiều thông tin sai lệch, đặc biệt là thông tin liên quan tới với việc tiêm phòng. Đây là hai rào cản cần tiếp tục được giải quyết.

Dự đoán về thế giới vào tháng 3/2022, hai giáo sư người Australia đưa ra hai kịch bản. Trong kịch bản có khả năng xảy ra nhất, các nước giàu sẽ trở lại trạng thái bình thường mới.

Các doanh nghiệp và trường học sẽ mở cửa trở lại và hoạt động du lịch nội địa sẽ được khôi phục. Hành lang du lịch sẽ được thiết lập giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có mức độ lây nhiễm thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao.

Các hành lang du lịch có thể được thiết lập giữa Singapore và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), giữa Australia và Việt Nam, và có thể giữa cả 4 quốc gia và vùng lãnh thổ này và nhiều quốc gia khác.

Tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, số ca bệnh nặng có thể giảm, giúp hệ thống y tế vốn đã bị quá tải trong 12 tháng qua, hoạt động bình thường trở lại.

Kịch bản thứ hai, ít có khả năng xảy ra hơn, đó là dịch bệnh được kiểm soát tốt ở khắp nơi trên thế giới nhờ sự hợp tác toàn cầu chưa từng có dựa vào các tiến bộ trong khoa học và tình đoàn kết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục