Theo Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, năm 2021, dưới tác động của tình hình dịch bệnh, thế giới sẽ bước vào thời kỳ biến động, tương quan lực lượng giữa các nước lớn có sự thay đổi nhanh chóng, những thách thức mang tính toàn cầu đòi hỏi các nước cùng chung tay xử lý, việc phòng chống dịch bệnh trên toàn thế giới sẽ tạo ra cục diện mới, chính phủ mới ở Mỹ sẽ tác động ảnh hưởng tới các mối tương tác mới giữa các nước lớn, nhiều khu vực trên thế giới biến động bất ổn, ngoại giao Trung Quốc đi theo chiều hướng tích cực để định hướng đúng đắn thế giới “thời hậu dịch bệnh.”
Thách thức lớn mang tính toàn cầu không ngừng gia tăng, quản trị toàn cầu tiếp tục chịu nhiều áp lực lớn
Năm 2020, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn tới thế giới, và năm 2021 tiếp tục sẽ là thách thức nổi bật nhất đối với an ninh quốc tế. Ước tính, nhu cầu vắcxin trên toàn thế giới ở mức 10 tỷ liều, tuy nhiên trong ngắn hạn và trung hạn, năng lực sản xuất vaccine còn nhiều hạn chế, sự thiếu hụt vắcxin quá lớn, hơn nữa việc phân bổ vắcxin không đồng đều giữa khu vực giàu nghèo, phần lớn nhu cầu vắcxin của các nước đang phát triển khó có thể được đáp ứng đầy đủ.
Dịch COVID-19 cũng giáng đòn mạnh vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, tác động tiêu cực tới đời sống của nhóm người thu nhập thấp và trung bình.
Dưới áp lực của dịch bệnh, việc tái khởi động nền kinh tế thế giới đang gặp phải nhiều khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, nhờ việc vắcxin được đẩy mạnh, năm 2021 kinh tế toàn cầu có hy vọng đạt được mức 5,2%, nhưng đây cũng chỉ là “tăng trưởng phục hồi,” mức GDP chỉ cao hơn so với năm 2019 là 0,6%.
[Thước đo hợp tác kinh tế quốc tế thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19]
Các mối đe dọa từ vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, hacker mạng ngày càng gia tăng. Hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng đạt đến mức cao mới, hiện tượng thời tiết cực đoan cũng trở nên thường xuyên hơn.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ, việc ứng phó với biển đổi khí hậu là vấn đề cấp bách hiện nay và kêu gọi các nước nhanh chóng ban bố “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”, đẩy nhanh thực hiện “Hiệp định Paris.”
Sự mở rộng của chủ nghĩa khủng bố quốc tế khó có thể bị loại bỏ, các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) đang lợi dụng dịch bệnh để “đục nước béo cò.”
Cục diện quốc tế dần có những thay đổi, công cuộc phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu tạo ra sự đa cực
Năm 2020 có thể được coi là năm tạo ra sự thay đổi trong mô hình quốc tế hiện nay, cục diện quốc tế mới đa cực dần hiện ra trong quá trình phòng chống dịch bệnh trên toàn cầu.
Đa cực bao gồm các lực lượng lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nga. Cục diện “Nhất siêu đa cường” hình thành từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc 30 năm trước và xu hướng đa cực hóa diễn ra trong nhiều năm qua đang dần chuyển thành cục diện đa cực. Mặc dù tương quan lực lượng của 4 bên là không đồng đều, nhưng Mỹ vẫn lớn nhất.
Dự kiến năm 2021, các nước sẽ kết hợp giữa phòng chống dịch bệnh với kinh tế, chính trị, xã hội, xu thế của 4 bên sẽ không giống nhau:
Thứ nhất, mâu thuẫn chính trị trong nội bộ nước Mỹ ngày càng gia tăng, triển vọng “tái khởi động” không rõ ràng. Ngày 6/1 vừa qua, vụ bạo loạn Đồi Capitol tại Washington đã gây chấn động thế giới, “thùng thuốc súng” của các đảng phái chính trị, xã hội và các tầng lớp đối lập đã bùng nổ, phủ bóng đen lên hình ảnh nước Mỹ và kéo theo nhiều bất ổn.
Giới truyền thông Mỹ bày tỏ “sự chia rẽ” sẽ đưa nước Mỹ đi về đâu? Biden lên làm tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với “mớ hỗn độn” mà Trump để lại. Biden sẽ phải tập trung xử lý công việc trong nước.
Thứ hai, EU đang phải chị áp lực lớn. Dưới những thách thức kép từ tình hình dịch bệnh và việc Anh rời EU, thêm vào đó là việc Thủ tướng Đức sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào nửa cuối năm dẫn đến viễn cảnh đáng lo ngại đối với EU.
Thứ ba, Nga phải gánh trách nhiệm nặng nề. Cuộc chiến chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế đơn nhất, hạn chế trong sức mạnh tổng hợp rõ rệt, quy mô GDP còn hạn chế.
Thứ tư, tình hình Trung Quốc trong và ngoài nước phục hồi ổn định. “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” sẽ đẩy nhanh việc xây dựng mô hình phát triển mới với việc bổ trợ lẫn nhau giữa chủ thể là tuần hoàn trong nước với “vòng tuần hoàn kép” giữa trong nước và quốc tế, chất lượng phát triển kinh tế cao hơn, sức chịu đựng tốt hơn.
Chính quyền mới ở Mỹ phải “khôi phục lý trí,” cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục phức tạp
Một là, Mỹ và EU sẽ hàn gắn những “rạn nứt” xuyên Đại Tây Dương ở mức độ hạn chế. Một mặt, chính sách của Biden chủ trương quay trở lại với xu thế chính, phù hợp với kỳ vọng của EU, quan hệ giữa Mỹ và EU có triển vọng bù đắp những rạn nứt được tạo ra dưới thời Trump; mặt khác địa vị, thực lực cũng như các vấn đề ưu tiên và nhận thức về nhau đều đã có sự thay đổi, đồng thời vẫn tồn tại những khác biệt trong vấn đề thuế kỹ thuật số, hiệp định thương mại.
Các nhà lãnh đạo EU nhiều lần nhấn mạnh đến “quyền tự chủ chiến lược,” có nghĩa là từ bỏ ảo tưởng về Mỹ, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ, mối quan hệ giữa Mỹ và EU chỉ là lợi dụng lẫn nhau.
Hai là, sự đối đầu giữa Mỹ và Nga sẽ tiếp tục leo thang. Trump đã từng có thời “đưa đẩy” với Putin, tuy nhiên những mâu thuẫn mang tính kết cấu giữa hai nước là quá sâu sắc, thêm vào đó các thế lực chống Nga tại Mỹ là quá lớn, kết quả dẫn đến việc Mỹ không ngừng gia tăng các lệnh trừng phạt đối với Nga, cạnh tranh chiến lược giữa hai nước cũng ngày càng gay gắt.
Bên cạnh đó, Tổng thống Biden và nhóm cố vấn chính sách an ninh đối ngoại của ông chưa bao giờ có thiện cảm với Nga, trong trung và ngắn hạn, quan hệ giữa hai bên sẽ khó có thể đạt được sự chuyển biến tích cực.
Ba là, quan hệ Trung-Mỹ có xu hướng hòa hoãn, tuy nhiên hợp tác và cạnh tranh vẫn cùng tồn tại. Trước sự phát triển của Trung Quốc, Mỹ đã không ngừng tăng cường “cạnh tranh với Trung Quốc” và không ngừng trấn áp Trung Quốc theo nhận thức chung của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden đối với Trung Quốc có thể đã thay đổi, những bản chất của nó vẫn giữ nguyên. Một mặt, Trung-Mỹ có cơ hội khôi phục giao lưu nhân dân, hợp tác chống biến đổi khí hậu và phòng chống dịch bệnh, quan hệ căng thẳng giữa hai nước có cơ hội hòa hoãn; mặt khác, không gian cải thiện quan hệ Trung-Mỹ khi ông Biden lên nắm quyền cũng còn hạn chế, Mỹ vẫn coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất.”
Bóng đen đại dịch bao phủ lên trò chơi địa chính trị, nhiều khu vực trên thế giới vẫn bất ổn
Thứ nhất, cạnh tranh đa phương khiến tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương không có sự ổn định. Nhóm cố vấn chính sách an ninh đối ngoại của Biden có nhiều người kỳ cựu trong vấn đề châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ vẫn sẽ tập trung vào khu vực này, nhằm mục đích tăng cường ngăn chặn địa chính trị đối với Trung Quốc.
Về chiến lược ngoại giao, sẽ thay đổi cách tiếp cận thiển cận của ông Trump đối với các đồng minh trong khu vực, củng cố mối quan hệ với đồng minh, nêu bật các giá trị quan chung, tăng cường tham gia các cơ chế đa phương tại khu vực như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Về mặt quân sự và an ninh, kết hợp cùng các nước đồng minh duy trì sức mạnh quân sự to lớn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tập trung vận hành cơ chế 4 nước “Mỹ, Nhật, Ấn, Australia,” dựa vào các vấn đề như Biển Đông để trấn áp Trung Quốc, nhấn mạnh việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Nhật Bản và Ấn Độ một mặt phối hợp với “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Mỹ để tìm kiếm lợi ích cá nhân; các nước ngoài khu vực như Anh, Pháp, Đức sẽ tiếp tục tăng cường “hiện diện” tại khu vực.
Thứ hai, sự gia tăng cọ sát giữa các nước trong khu vực khiến xung đột ở nhiều nơi trong khu vực có khả năng bùng phát. Tình hình phức tạp tại Trung Đông đang định hình lại, tình trạng giữa Israel và Iran, Saudi Arabia và Iran đang “như nước với lửa,” vẫn tồn tại nguy cơ xung đột ủy nhiệm.
Việc ông Biden mong muốn quay trở lại “Thỏa thuận hạt nhân Iran” vẫn còn chịu sự tác động từ mâu thuẫn giữa Mỹ-Iran. Tại khu vực Nam Á, cạnh tranh giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn xảy ra quyết liệt xung quanh tranh chấp Kashmir.
Xung đột giữa Armenia and Azerbaijan vẫn rất khó hòa giải, các tranh chấp lãnh thổ và xung đột sắc tộc xuyên biên giới sẽ làm nảy sinh những xung đột quân sự mới.
Thứ ba, dịch bệnh tiếp diễn làm cho nền kinh tề của nhiều quốc gia đang phát triển gặp khó khăn, nền chính trị không ổn định, dễ dẫn đến hỗn loạn do bầu cử. Nhiều quốc gia tại khu vực Á, Âu sẽ tiến hành bầu cử, các đảng phái đối lập tại các nước sẽ lợi dụng sự bất mãn của dân chúng.
Tại khu vực Mỹ Latin, Argentina và Mexico sẽ tổ chức bầu cử lập pháp, và Ecuador, Peru và Chile sẽ tổ chức bầu cử tổng thống, các nước này đều chịu tác động lớn từ dịch bệnh COVID-19, áp lực từ bầu cử và kinh tế khó khăn sẽ dẫn đến những bất ổn trong xã hội.
An ninh và ổn định của châu Phi đang ở mức đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nguy cơ nạn đói ngày càng gia tăng, và tình hình chính trị ở Algeria và Ethiopia đầy xáo trộn./.