Trang mạng asiatimes.com đưa tin Đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới.
Tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) năm 2020 đã giảm mạnh nhất kế từ khi Chiến tranh Thế giới thứ thứ hai kết thúc, hàng triệu người thất nghiệp hoặc bị cho nghỉ việc, và các chính phủ đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế của họ để ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, sự phục hồi vào năm 2021 là không chắc chắn.
Nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng nhiều quốc gia giàu có nhất thế giới có thể không phục hồi hoàn toàn cho đến sớm nhất là vào năm 2022.
Bất bình đẳng cũng đang nới rộng. Trong khi 651 tỷ phú của Mỹ đã tăng giá trị tài sản ròng của họ lên 30% (4.000 tỷ USD), thì 1/4 tỷ người ở các nước đang phát triển có thể phải đối mặt với tình trạng nghèo đói nghiêm trọng, và có tới 1/2 lực lượng lao động toàn cầu có thể mất kế sinh nhai.
[WEF: Dịch COVID-19 và tác động kinh tế là những mối đe dọa toàn cầu]
Tốc độ mà đại dịch có thể được kiềm chế sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của nền kinh tế thế giới.
Trong cuộc chạy đua giữa các chủng virus mới và việc cung cấp vắcxin, thắng lợi sớm chưa chắc đã được đảm bảo. Ngay cả các quốc gia giàu có dù có nhiều loại vắcxin cũng có thể không có đủ để cung cấp cho người dân đến cuối năm 2021. Ở các nước đang phát triển, nơi vắcxin thường khan hiếm, virus nhiều khả năng sẽ lây lan rộng hơn.
Những quốc gia chiến thắng lớn nhiều khả năng sẽ là các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc vốn thành công trong việc ngăn chặn COVID-19 ban đầu.
Nền kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2021, cao hơn gấp đôi so với các nước phương Tây thành công nhất ngay cả trước đại dịch. Nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc đã thực sự được hưởng lợi từ sự phong tỏa ở các nước phương Tây.
Nhu cầu đối với dịch vụ của phương Tây như giải trí và du lịch có lẽ đã giảm, song nhu cầu đối với hàng hóa tiêu dùng gia đình và vật tư y tế đã tăng lên. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đã đạt mức kỷ lục bất chấp các mức thuế cao mà chính quyền Trump áp đặt.
Trung Quốc cũng đang mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của mình trên khắp châu Á, với một khu vực thương mại tự do mới ở Thái Bình Dương và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ cùng với các tuyến thương mại của nước này tới châu Âu và châu Phi.
Trung Quốc đang đầu tư vào công nghệ tiên tiến để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của phương Tây cho các linh kiện như chất bán dẫn. Trung Quốc có thể sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm nữa, nhanh gấp đôi so với dự đoán trước đây.
Khó khăn hơn ở những nơi khác
Đối với các nước giàu có như Mỹ, Anh và những nước ở lục địa châu Âu, bức tranh kém tươi sáng hơn. Sau sự phục hồi ngắn hạn vào mùa Hè năm 2020, nền kinh tế của các nước này đã trì trệ do làn sóng thứ hai của đại dịch buộc họ phải đóng cửa biên giới.
Ví dụ ở Mỹ, việc làm và tăng trưởng bị ảnh hưởng bởi đại dịch hơn là những biện pháp phong tỏa được áp dụng không đồng đều khi niềm tin kinh doanh và người tiêu dùng sụt giảm.
Thậm chí ngay cả khi có một số sự phục hồi trong năm tới, những nền kinh tế này dự kiến sẽ giảm 5% trong năm 2022 so với khi khủng hoảng chưa xảy ra.
Tuy nhiên, những nước thua thiệt nhất nhiều khả năng là các nước đang phát triển. Họ thiếu cả các nguồn lực kinh tế để mua đủ vắcxin và hệ thống y tế công để điều trị cho số lượng lớn bệnh nhân mắc COVID-19.
Họ cũng không thể chi trả cho các khoản trợ cấp khổng lồ của chính phủ vốn đang ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt ở châu Âu và Mỹ.
Với nhu cầu về nguyên liệu thô bị giảm do sự suy thoái của phương Tây và ít nhận được viện trợ từ các nước giàu để giảm bớt các khoảng nợ lớn, các nước đang phát triển có thể khó có khả năng thực hiện phong tỏa thêm nữa.
Ngay cả những nước phát triển nhanh chóng trước đây như Brazil và Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn.
Hàng triệu người lao động nghèo trong khu vực phi chính thức đang bị buộc quay trở lại làng quê của họ và các khu nhà ổ chuột với tình trạng nghèo đói hàng loạt và thậm chí là chết đói.
Trong khi đó, Nam Phi, quốc gia giàu có nhất ở châu Phi, có thể đã quá muộn để có đủ vắcxin nhằm ngăn chặn sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh truyền nhiễm.
Nước này đã thực hiện một cách tiếp cận tập thể bằng cách trở thành thành viên của chương trình COVAX.
Chương trình này nhằm đảm bảo rằng các nước nghèo hơn không bị thua thiệt, nhưng nó vẫn chưa đạt được kết quả.
Sự phân chia mới
Các tác động kinh tế của đại dịch là rất khác nhau trong toàn xã hội. Những người làm việc toàn thời gian, thường là những công việc được trả lương cao khi làm việc tại nhà, đã tích lũy được khoản tiết kiệm đáng kể vì ít phải chi tiêu.
Những người rất giàu, đặc biệt là ở Mỹ, đã được hưởng lợi từ sự gia tăng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán nhờ những thành công do đại dịch như Amazon, Netflix và Zoom - và điều này có vẻ sẽ tiếp tục.
Câu hỏi lớn đối với nền kinh tế là liệu trong năm 2021, những người có công ăn việc làm đảm bảo và thu nhập cao sẽ quay trở lại mô hình chi tiêu trước đây hay tiếp tục tiết kiệm khi đối mặt với tình trạng bất ổn tiếp diễn.
Ngược lại, nhiều người bị mất việc hoặc kinh doanh sa sút hoặc bị cho nghỉu việc sẽ phải vật lộn để tìm công việc mới hoặc quay trở lại mức thu nhập trước đây - đặc biệt là vì các lĩnh vực lương thấp như bán lẻ và khách sạn khó có thể hồi phục hoàn toàn sau đại dịch. Nhóm này bao gồm nhiều người trẻ hơn, phụ nữ và những người dân tộc thiểu số.
Sự bất bình đẳng có thể gia tăng khi các chính phủ giàu giảm bớt các khoản trợ cấp khổng lồ đang được sử dụng để giữ cho nhiều người lao động có việc làm.
Rishi Sunak, Bộ trưởng Tài chính Anh, đã đưa ra những dấu hiệu rõ ràng về ý định này trong đánh giá chi tiêu tháng 11 của mình.
Ở Mỹ, bế tắc chính trị về chi tiêu cứu trợ hơn nữa chỉ được giải quyết vào phút chót và các đảng viên đảng Cộng hòa giờ đây có thể sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu chi tiêu của chính quyền Biden, bất chấp sự chi tiêu phóng khoáng của chính quyền Trump trong những năm qua.
Châu Âu vừa đạt được một thỏa thuận chưa từng có để cung cấp viện trợ do EU tài trợ cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch, nhưng căng thẳng về quy mô của gói cứu trợ và người nhận có thể sẽ tiếp diễn.
Hợp tác có thể giúp dễ dàng điều chỉnh đối với một thế giới hậu đại dịch. Nhưng hợp tác quốc tế trong thời kỳ đại dịch còn yếu và căng thẳng kinh tế càng làm suy yếu cam kết của thế giới đối với thương mại tự do - không phải là một khởi đầu tốt cho Anh hậu Brexit.
Việc phân phối lại của cải và thu nhập thông qua thuế cao hơn có thể mang lại cho các chính phủ phương Tây nhiều nguồn lực hơn để xử lý các nạn nhân của đại dịch, nhưng sẽ khó khăn về mặt chính trị trong một cuộc suy thoái tiếp diễn. Bất ổn xã hội là một trong những hệ quả của các đại dịch trước đây. Hãy hy vọng rằng lần này, chúng ta sẽ tìm thấy sự khôn ngoan để giải quyết những bất bình đẳng nghiêm trọng do COVID-19 tạo ra và xây dựng một thế giới công bằng hơn./.