WEF: Dịch COVID-19 và tác động kinh tế là những mối đe dọa toàn cầu

Giới lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hiện nay nhìn nhận thiệt hại về người và những tác động kinh tế do dịch COVID-19 gây ra là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn.
WEF: Dịch COVID-19 và tác động kinh tế là những mối đe dọa toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Ngày 19/1, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết giới lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hiện nay nhìn nhận thiệt hại về người và những tác động kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra là những mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn.

WEF tổ chức cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Trước các hội nghị thường niên, WEF thường tiến hành khảo sát các thành viên để xác định những vấn đề mà họ cho là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất.

Khảo sát năm nay chỉ ra đại dịch COVID-19 là mối đe dọa nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Biến đổi khí hậu cũng vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu trong dài hạn.

Cụ thể, báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 do WEF công bố có nội dung nêu rõ đại dịch COVID-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế. Đại dịch đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong nhiều năm qua trong giảm nghèo và bất bình đẳng, tiếp tục làm suy yếu gắn kết xã hội và hợp tác toàn cầu.

Hầu hết những ý kiến phản hồi khảo sát GRPS đều cho rằng các dịch bệnh truyền nhiễm và các cuộc khủng hoảng trong đời sống là những mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng nhất trong ngắn hạn. Nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch COVID-19 và tình trạng mất việc làm cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng trong dài hạn.

Báo cáo lưu ý rằng thế hệ trẻ đang trải qua cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng thứ 2 trong một thập kỷ qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng trầm trọng do cuộc khủng hoảng này gây ra. Thế hệ này đối mặt với những thách thức lớn về giáo dục, triển vọng kinh tế và sức khỏe tâm thần, cảnh báo về "một thời kỳ mất cơ hội" cũng như bất ổn xã hội và phân mảnh chính trị.

[The Economist: Triển vọng kinh tế của Anh rất ảm đạm]

Báo cáo trên được thực hiện dựa trên khảo sát 841 thành viên của WEF bao gồm các doanh nghiệp, viện nghiên cứu học thuật, chính phủ và các tỏ chức phi chính phủ. Quá trình khảo sát được thực hiện trong tháng 9-10/2020.

Các lãnh đạo WEF cũng lưu ý rằng một bản báo cáo GRPS của tổ chức này từng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một đại dịch từ năm 2006, trong đó có nội dung nhấn mạnh cần phải tìm ra những phương thức hiệu quả hơn nhằm nhận diện và thông tin về nguy cơ cho các nhà hoạch định chính sách.

Hội nghị WEF năm 2021 cũng đã bị ảnh hưởng vì đại dịch COVID-19, phải lùi lịch tổ chức từ tháng 1 sang tháng 5 và chuyển địa điểm từ Davos tới Singapore. Mặc dù vậy, trong tuần tới, WEF sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến kéo dài 1 tuần với các sự kiện nhằm giúp các nhà lãnh đạo lựa chọn những giải pháp sáng tạo và mạnh mẽ để ngăn chặn đại dịch COVID-19 và dẫn dắt một quá trình phục hồi mạnh mẽ trong năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục