Theo Đài Sputnik, Báo cáo Phòng thủ tên lửa 2019 của Mỹ được công bố trong tuần này là phản tác dụng đối với các nỗ lực giải giáp vũ khí và đe dọa tới sự ổn định.
Đây là nhận định ngày 20/1 của bà Titi Eresto, chuyên gia kiểm soát vũ khí, giải giáp và không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm.
Bà Eresto nhấn mạnh: "Bản đánh giá phòng thủ tên lửa của Mỹ không giúp đối phó với sự phát triển vũ khí siêu thanh ở Nga và Trung Quốc hay các hệ thống khác mà hai nước này đã phát triển để chống hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, mà còn có thể gây ra sự phát triển ngược."
[Nga: Chiến lược tên lửa mới của Mỹ sẽ gây ra chạy đua vũ trang]
Chuyên gia này nhắc lại rằng sau khi rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) hồi năm 2001, Mỹ đã tìm cách thuyết phục Nga và Trung Quốc rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của mình hoàn toàn mang mục đích phòng thủ và chỉ nhằm chống lại cái gọi là "các quốc gia bất hảo."
Tuy nhiên, với báo cáo mới của Mỹ, lập luận này đã mất đi tính thuyết phục. Chuyên gia này cho biết báo cáo mới gợi nhớ tới sáng kiến của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan về phòng thủ chiến lược, còn được gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao."
Bà Eresto giải thích: "Bản đánh giá cũng tập trung vào tiềm năng vũ trụ. Tổng thống (Mỹ Donald) Trump cho rằng các khoản đầu tư mới vào các công nghệ như vậy có thể khiến Mỹ tránh được mọi cuộc tấn công tên lửa." Tuy nhiên, theo bà, Quốc hội Mỹ và các đồng minh của Washington nên nhớ tới bài học của những năm 1980, khi Mỹ đã lãng phí số tiền khổng lồ để đối phó với một hệ thống chỉ là ảo ảnh"./.