Chuyên gia: Bão tiếp tục ‘nối đuôi’ gây mưa lớn kéo dài ở diện rộng

Theo chuyên gia khí tượng, từ ngày 13-15/10 sẽ có một đợt mưa rất lớn ở vùng nam đồng bằng Bắc bộ, gây gập úng đô thị; khả năng sẽ xảy ra một đợt lũ gây ra lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn), cơn bão Kompasu có khả năng sẽ đi vào Biển Đông trong đêm nay (11/10), trở thành cơn bão thứ 8 năm 2021.

Sau cơn bão này, dự kiến sẽ tiếp tục xuất hiện báo, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn ở đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã chia sẻ với báo chí về diễn biến mưa lũ khi cơn bão đi vào đất liền nước ta trong những ngày tới.

Bão số 8 gây mưa lớn cho Bắc bộ

- Xin ông cho biết cơn bão Kompasu (bão số 8) sắp đi vào Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới những khu vực nào của Việt Nam?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Chúng tôi dự báo trong đêm nay và sáng mai, bão Kompasu sẽ vượt qua phần phía Bắc của đảo Luzon của Philippines, đi vào Biển Đông sẽ trở thành cơn bão số 8.

Theo nhận định, đây là cơn bão có tốc độ tương đối mạnh, di chuyển nhanh, hướng về các tỉnh đất liền Việt Nam.

Cơn bão này dự báo sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và khu vực Bắc Trung bộ. Sau cơn bão số 8 này, dự báo sẽ tiếp tục xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Bắc và Trung bộ.

- Với diễn biến bão, áp thấp nhiệt đới trên, liệu năm nay kịch bản cực đoan có lặp lại như năm 2020 khi trong 15 ngày của tháng 10 đã có tới 3 cơn bão/áp thấp nhiệt đới “nối đuôi nhau,” thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Theo dự báo của chúng tôi, khoảng thời gian từ nửa đầu tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021 sẽ là giai đoạn liên tiếp xảy ra bão/áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và ảnh hưởng tới Việt Nam.

Nguyên nhân khiến bão và áp thấp nhiệt đới dồn dập xảy ra trong khoảng thời gian này là bởi 70% cơn bão và áp thấp nhiệt hình thành trên dải hội tụ nhiệt đới. Ngay như hiện tại, có một dải hội tụ nhiệt đới đang vắt qua khu vực Trung bộ và chính dải hộ tụ này là “cái nôi” sinh ra bão, áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới.

[Bão Kompasu tăng cấp trong chiều 11/10, dự báo còn mạnh thêm]

Thống kê khí hậu hàng năm cũng cho thấy tháng 10 là thời điểm có tần suất áp thấp nhiệt đới, bão nhiều nhất trong năm. Vì vậy, việc xuất hiện bão/áp thấp nhiệt đới liên tục trong tháng 10 này là xu hướng xảy ra đúng quy luật.

Không gây ngập lụt như năm 2020

- Về diễn biến lũ, theo ông, việc các cơn bão, áp thấp nhiệt đới liên tiếp gây mưa lớn trong những ngày tới liệu có gây ngập lụt lịch sử như năm ngoái?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Như tôi đã đề cập ở trên, tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12/2021, tại khu vực miền Trung sẽ liên tục có mưa lớn. Theo đó, chúng tôi nhận định tổng lượng mưa trong quãng thời gian tới ở các tỉnh miền Trung đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 30-50%.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, nhiều khả năng cường độ mưa năm nay sẽ không khốc liệt gây “ngập lụt” như trong năm 2020.

- Trước tình hình mưa bão hiện nay, theo ông, diễn biến của không khí lạnh trong thời gian tới sẽ thế nào và có tương tác với các cơn bão tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Trong những ngày qua, một đợt không khí lạnh mạnh tăng cường tương tác với cơn bão số 7 đã xảy ra khiến các tỉnh miền Bắc trời trở lạnh. Tương tự, với việc cơn bão Kompasu (bão số 8) đi vào Biển Đông nên khi vào gần đất liền sẽ có sự tương tác giữa không khí lạnh và bão, làm cho khu vực Trung bộ và phần phía nam đồng bằng Bắc bộ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng.

Dự báo, ít nhất trong khoảng 3-5 ngày tới, ở các tỉnh nam đồng bắc Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế sẽ xuất hiện đợt mưa lớn.

- Với diễn trên, ông có đưa ra khuyến nghị, cảnh báo gì với người dân?

Ông Nguyễn Văn Hưởng: Cơn bão Kompasu dự báo sẽ đi vào Biển Đông trong đêm nay. Tới sáng mai, 11/10, bão sẽ tác động xấu tới hầu khắp các vùng trên biển. Do vậy, ngư dân không nên di chuyển trong thời gian này và chủ động theo dõi các bản tin cảnh báo để kịp thời di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm khi cần thiết.

Với đất liền, từ ngày 13-15/10 sẽ có một đợt mưa rất lớn ở vùng nam đồng bằng Bắc bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội, có khả năng gây gập úng đô thị. Với các tỉnh Trung bộ, trọng tâm là các tỉnh gừ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, chúng tôi nhận định các tỉnh này có khả năng sẽ xảy ra một đợt lũ gây ra lũ quét, sạt lở đất./.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục