Chuyên gia cảnh báo về mối đe dọa khủng bố mới ở châu Á

Giới chuyên gia nhận định IS chỉ thoái trào chứ không biến mất và ảnh hưởng từ thất bại tại Syria, Philippines có thể sẽ dẫn đến hình thức khủng bố bạo lực mới và tinh vi hơn mà châu Á phải đối đầu.
Chuyên gia cảnh báo về mối đe dọa khủng bố mới ở châu Á ảnh 1Các lực lượng Philippines chuẩn bị rút khỏi Marawi sau khi kết thúc chiến dịch chống phiến quân khủng bố tại đây ngày 21/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các chuyên gia chống khủng bố cảnh báo các nước châu Á vẫn phải đề cao cảnh giác bất chấp việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thất thủ tại Raqqa của Syria và thất bại của phiến quân ở thành phố Marawi của Philippines có thể là đòn giáng mạnh vào lực lượng này ở Iraq và Syria.

Giới chuyên gia nhận định IS chỉ thoái trào chứ không biến mất và ảnh hưởng từ những thất bại này có thể sẽ dẫn đến những hình thức khủng bố bạo lực mới và tinh vi hơn mà các lực lượng an ninh trên toàn châu Á sẽ phải đương đầu.

Trong một báo cáo gửi Viện Lowy, một trung tâm nghiên cứu ở Australia, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột tại Jakarta, bà Sidney Jones nhận định: “IS sẽ thay đổi chiến thuật hoạt động do cuộc chiến đang dần kết thúc và các tay súng và thủ lĩnh IS đến từ các nước Nam Á hoặc Đông Nam Á sẽ trở về quê hương."

Bà Jones cảnh báo về các vụ đánh bom đáp trả tại những khu đô thị lớn ở Philippines, trong đó có thủ đô Manila, và các thành phố Davao, Zamboanga và tỉnh Cotabato trên đảo Mindanao. Theo bà Jones, các đại sứ quán Philippines cũng có thể trở thành mục tiêu.


[Philippines tuyên bố kết thúc chiến dịch chống phiến quân ở Marawi]

Trong khi đó, người phát ngôn quân đội Philippines Restituto Padilla cho rằng IS vẫn là mối đe dọa, nhưng không phải với quy mô như ở Trung Đông.

Không chỉ có Philippines, các nước khác trong khu vực cũng có thể gặp rủi ro. Các nhóm khủng bố "nằm vùng" có thể lên kế hoạch tấn công liều chết nhằm vào dân thường trên khắp Đông Nam Á. Theo các quan chức, việc IS thất bại ở Marawi và Raqqa sẽ kích động "các vụ tấn công của sói đơn độc" vốn rất khó để ngăn chặn.

Để đối phó với các mối đe dọa nêu trên, các quan chức an ninh trong khu vực đã siết chặt an ninh biên giới quốc gia nhằm ngăn chặn các phiến quân hồi hương từ Syria và Iraq, và những kẻ di chuyển giữa hai đảo Mindanao của Philippines và Sabah của Malaysia. Các quan chức này gần đây cũng nhất trí tăng cường các cuộc tuần tra chung trên không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.