Hành động bán tháo diễn ra trên diện rộng cùng với lực cầu thưa thớt cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư khá bi quan với những diễn biến rung lắc của thị trường. (Ảnh: Vietnam+)
Thị trường chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán tháo trong những phiên giao dịch gần đây, khiến VN-Index rung lắc, biến động mạnh. Giới phân tính nhận định thị trường chứng khoán đã tăng trưởng mạnh trong thời gian dài, nhiều cổ phiếu tăng giá từ vài chục phần trăm, thậm chí lên tới vài lần, do đó việc điều chỉnh sâu cũng là dễ hiểu.
Nhà đầu tư bán tháo, thị trường "thất thủ"
Phiên giao dịch ngày 26/9, thị trường chứng khoán tiếp tục nối dài đà trượt dốc, VN-Index đóng cửa giảm hơn 15 điểm và chốt lại mức 1.137 điểm.
Trước đó, áp lực bán mạnh đã xuất hiện trong hai phiên cuối tuần trước và sang đến phiên mở cửa tuần này (ngày 25/9), thị trường chứng khoán gần như “thất thủ” khi VN-Index "tuột tay" gần 40 điểm trong phiên, về mốc 1.153 điểm. Trước sự quyết liệt bán của giới đầu tư, hơn 400 mã cổ phiếu đồng loạt giảm giá.
Hành động bán tháo diễn ra trên diện rộng cùng với lực cầu thưa thớt, cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư khá bi quan với những diễn biến rung lắc của thị trường.
[ Cổ phiếu toàn cầu đang được bán với tốc độ nhanh kỷ lục]
Đánh giá phiên giao dịch ngày thứ Hai (25/9), ông Phạm Tuyến, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng lực mua trên thị trường rất yếu và nghiêng về xu hướng thăm dò. Vì vậy, dòng tiền nhanh chóng đuối sức trước đà bán ồ ạt và khiến các dòng cổ phiếu “nện sàn.”
Theo ông Tuyến, tâm lý thị trường bị tác động bởi một số thông tin trong nước. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh giảm sự căng thẳng về tỷ giá. Tuy nhiên, điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư có những phản ứng khá tiêu cực trong gần phiên gần đây. Thêm vào đó, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước cũng để ra những hạn chế về cho vay đối với chứng khoán.
“Tuy nhiên xét trên thực tế, thị trường đã tăng trưởng mạnh trong một khoảng thời gian dài. Nhiều cổ phiếu, nhóm cổ phiếu tăng giá từ vài chục phần trăm, thậm chí lên tới vài lần. Vì vậy, việc thị trường điều chỉnh sâu cũng là điều dễ hiểu,” ông Tuyến nói.
Hơn nữa, các chỉ số kinh tế vĩ mô tại các kỳ báo cáo gần đây cũng chỉ ra một số vấn đề không mấy thuận lợi về triển vọng tăng trưởng kinh tế, CPI, tỷ giá, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết và nợ xấu còn khá nan giải.
Cần sự kiên trì
Về động thái bán quyết liệt của giới đầu tư trong các phiên vừa qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống ngân hàng và nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ ngoại hối. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư lại có quan điểm tiêu cực và quan ngại rằng đây là động thái thắt chặt của Ngân hàng Nhà nước.
“Thực tế, tôi cho rằng bước đi này của Ngân hàng Nhà nước không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại. Bởi, đây là một giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn nhằm hút bớt thanh khoản dư thừa, góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá. Động thái này cũng nhằm trung hòa việc Kho Bạc Nhà nước mua vào ngoại tệ và bơm thanh khoản tiền đồng ra thị trường trước đó,” ông Hinh nói.
Ông Hinh nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn tiếp tục các giải pháp nhằm duy trì thanh khoản đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, ông Hinh cho rằng tâm lý thị trường có thể sẽ sớm nhìn nhận lại về động thái phát hành tín phiếu vừa qua.
Trước diễn biến giảm mạnh gần đây của VN-Index, Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam cũng đưa ra nhận định thị trường trong nước đang chịu áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11 và kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức đáng kể. Điều này đã tạo ra tình hình khá căng thẳng cho tâm lý của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, thông tin về sự tăng giá của tỷ giá hối đoái cùng với các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên quan đến việc điều tiết cung tiền đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên không ổn định.
Mặt khác, một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính, tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây. Số liệu từ Dragon Capital chỉ ra tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Thông thường, các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường phải điều chỉnh sâu hơn và có lúc lên đến 20%.
Theo nhóm phân tích của Dragon Capital, những biến động về mặt kinh tế toàn cầu và diễn biến thị trường gần đây chưa tạo ra sự đảo chiều trong xu hướng hiện tại. Do đó, các nhà đầu tư nên giữ vững sự bình tĩnh và quan sát trong giai đoạn này. Việc rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt, bởi sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp.
Ngoài ra, ông Tuyến khuyến cáo thị trường chứng khoán trong quý 4 còn khá nhiều khó khăn. Theo đó, các nhà đầu tư có thể cân nhắc hai phương án “giải ngân hoặc đứng ngoài."
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, ông Tuyến khuyến nghị đây không phải là thời điểm thích hợp để giải ngân. Các nhà đầu tư có thể chờ đợi thị trường ở vùng giá hấp dẫn hơn và các tín hiệu về vĩ mô sáng hơn khi các chính sách của Chính phủ "dần ngấm" vào thị trường./.