Thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm đến nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát (lần thứ tư) với những diễn biến phức tạp. Những kỷ lục mới không ngừng xuất hiện trên thị trường: Trên 500.000 tài khoản mới được mở, nhiều phiên thanh khoản đạt trên 1 tỷ USD, giá trị vốn hóa toàn thị trường trên 105% GDP và chỉ số VN-Index tăng 24% so với cuối năm ngoái…
Do đó, nhận diện những mối tương quan đến những kết quả tích cực đồng thời chỉ ra các yếu tố nền tảng cũng như cảnh báo, phòng ngừa rủi ro là việc làm cần thiết tại thời điểm này.
Trước yêu cầu đó, Tạp chí Kinh tế và Dự báo đã tổ chức chuỗi tọa đàm “Thị trường chứng khoán và dự báo” với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, đánh giá về sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam và chia sẻ góc nhìn về tương lai, giải pháp cho thị trường mở rộng cơ hội mới đồng thời giúp nhà đầu tư đi xa, đi bền với thị trường.
Bất ngờ… song không bất thường
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam có sự “đồng pha” với các thị trường thế giới, khi mà đầu năm tới nay, các thị trường chứng khoán Mỹ, Anh, Thái Lan, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng trên 10%.
“Về giá trị tuyệt đối, VN-Index tăng hơn 23%, vốn hóa thị trường tăng trên 21%, điều này phản ánh niềm tin và sự kỳ vọng của nhà đầu tư,” bà Bình trao đổi.
[Cơ hội đầu tư cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp từ chính sách mới]
Bà Bình phân tích trên thực tế, nền kinh tế các nước trên thế giới đang có sự hồi phục và các số liệu kinh tế vĩ mô trong nước khá tích cực. Năm 2020, Việt Nam là nền kinh tế hiếm hoi có sự tăng trưởng “dương” và sáu tháng của năm nay, các chỉ tiêu kinh tế đều tăng trưởng ổn định, bên cạnh đó các kênh đầu tư khác (như bất động sản…) đã chững lại. Thêm vào đó, các doanh nghiệp niêm yết liên tiếp công bố kết quả kinh doanh lạc quan trong quý 1, điều này thể hiện khả năng chống chọi trong hoàn cảnh dịch bệnh của khối doanh nghiệp đại chúng.
“Diễn biến của thị trường chứng khoán luôn đi trước diễn biến của nền kinh tế với sự kỳ vọng về hồi phục," bà Bình chia sẻ.
Cụ thể hơn, tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng đánh giá thị trường cần nhìn trong dài hạn. Ông nhấn mạnh thời điểm COVID-19 lần đầu xuất hiện, thị trường chứng khoán đã lao dốc mạnh. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng phục hồi và có sự “thăng hoa” bất ngờ trong sáu tháng qua.
“Trước đây gắn với các cuộc khủng hoảng, thị trường chứng khoán Việt Nam thường lao dốc rất mạnh và kéo dài trên/dưới một năm. Nhưng lần này, thị trường chỉ lao dốc trong vài tháng. Trong bối cảnh dịch bệnh còn ‘đeo bám,’ thị trường chứng khoán ‘thăng hoa,” dù chưa thể hiện là hàn thử biểu cho nền kinh tế, song theo tôi cũng không quá bất thường,” ông Thành nói.
Lý giải cho nhận định của mình, ông Thành chỉ ra ba yết tố tạo lên động lực tăng trưởng của thị trường. Thứ nhất, thị trường chứng khoán kỳ vọng vào tương lai ngắn hạn tại năm 2021 khác so với năm 2020. Cụ thể, đại dịch bùng phát mạnh mẽ hơn song dự báo tăng trưởng các nước trên thế giới vẫn cao, lý do niềm tin vào vaccine và khả năng khống chế dịch. Bên cạnh đó, sự hồi phục của các “đầu tàu” kinh tế (như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc…) và đền là các đối tác lớn của Việt Nam.
“Thứ hai, chính sách điều hành vĩ mô với các ‘gói” nới lỏng tiền tệ chưa từng có trên toàn cầu, kéo theo lãi suất vô cùng thấp. Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu, các bạn trẻ có thu nhập cao hơn trung bình đang dùng kênh chứng khoán để đầu tư. Và, thời điểm này chứng khoán được lựa chọn là kênh đầu tư số 1,” ông Thành cho hay.
Một lý do nữa được ông Thành đưa ra đó là sự “thăng hoa” của một số lĩnh vực kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Mặc dù khảo sát từ các tổ chức trong nước chỉ ra 83% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực từ COVID-19, song cùng với đó hơn 10% doanh nghiệp lại ghi nhận lợi nhuận tích cực (như lĩnh vực công nghệ, tài chính…). Theo ông Thành, hai nhóm ngành này là lực lượng tạo nên yếu tố “sức nặng” rất lớn trên thị trường đồng thời dẫn dắt chứng khoán Việt Nam “bốc lên” trong thời gian qua.
Khối ngoại bán ròng… song không rút ròng
Mặc dù đồng tình với những quan điểm trên, song ôngPhan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng thẳng thắn chỉ ra yếu tố nội tại của thị trường chứng khoán và lưu ý, dòng tiền dẫn dắt thị trường đang đến từ các nhà đầu tư cá nhân, mà trong đó số lớn có những nhà đầu tư F0-[nhà đầu tư mới].
“Sự phát triển của thị trường chứng khoán lần này được đóng góp lớn từ sự tăng mạnh của nhà đầu tư cá nhân (người dân). Tôi cần lưu ý, nhà đầu tư ngoài duy trì bán ròng kể từ đầu năm trong khi các nhà đầu tư cá nhân-F0 liên tục gia tăng và hoạt động mạnh mẽ, nhộn nhip,” ông Hiếu nói.
Theo ông, dịch bệnh bùng phát khiến nhiều người dân bị mất việc làm, các hộ kinh doanh mất đi cơ hội buôn bán. Không có việc làm, không có cơ hội kinh doanh… song dòng tiền vẫn phải sinh lời. Theo quan sát của ông Hiếu, dòng tiền tiết kiệm và vốn lưu động đang được người dân dịch chuyển vào thị trường chứng khoán. Điều này cũng khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên khó đoán định hơn, bởi việc ra quyết định trên thị trường không đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo thống kê từ thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 32.000 tỷ đồng trong sáu tháng qua.
Nhìn nhận động thái trái chiều giữa nhà đầu tư trong nước và các tổ chức nước ngoài, ông Thành nhấn mạnh: “Ngay trong lúc khó khăn, nền kinh tế Việt Nam xét tương quan trong khu vực là hấp dẫn, thế nhưng thị trường chưa theo được nhịp của nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề cơ bản là lòng tin. Chúng ta cần cải cách có nền tảng, sự ổn định và sức chống chịu của nền kinh tế. Thời điểm này cần đột phá về tốc độ, khắc phục những điểm trước mắt, liên quan các bước đi tự do hóa tài khoản vốn, đồng tiền Việt Nam có khả năng chuyển đổi hơn…, về lâu dài cải tổ thị trường chứng khoán, phát triển các trung tâm tài chính.”
Với góc nhìn của nhà quản lý, bà Bình cho rằng cần có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này. Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu song họ lại mua ròng trái phiếu.
“Bên cạnh đó, số dư tiền mặt của các nhà đầu tư ngoại vẫn rất lớn, có thể họ chờ cơ hội tiếp theo,” bà Bình nói.
Về xu hướng thị trường trong 6-12 tháng tới, tiến sỹ Võ Trí Thành đưa ra quan điểm cá nhân: “Phía trước thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng lắm. Điểm lưu ý, thị trường chứng khoán gắn với sự phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế, do đó cần phải quan tâm các vấn đề nền tảng, như ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc của thị trường chứng khoán gắn với quá tình phục hồi, quản trị rủi ro gắn với ‘khẩu vị’ rủi ro và nguồn lực của nhà đầu tư (liên quan đến yếu tố bất định của đại dịch, lạm phát, các chính sách tiền tệ, chính sách vĩ mô...)”./.