Chuyên gia 'giải mã' thành công của bóng đá châu Á ở World Cup 2022

Từng chỉ sắm vai “kẻ lót đường” tại nhiều kỳ World Cup trong quá khứ, song các đội bóng châu Á đang khiến những đối thủ hàng đầu phải kiêng nể ở ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh tại Qatar.
Bốn trong số sáu đội châu Á đã giành được điểm tại World Cup 2022 và có cơ hội giành vé đi tiếp. (Ảnh: AFP)
Bốn trong số sáu đội châu Á đã giành được điểm tại World Cup 2022 và có cơ hội giành vé đi tiếp. (Ảnh: AFP)

Iran trở thành đội châu Á tiếp theo tạo nên chiến thắng ấn tượng tại World Cup 2022 khi đánh bại Xứ Wales với tỷ số 2-0 bằng cú đúp bàn thắng ở những phút bù giờ đầy kịch tính. Chiến thắng này đánh dấu “hiệu ứng domino” được các đội bóng châu Á tạo nên tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay.

Trước Iran, Saudi Arabia khiến cả thế giới phải bàng hoàng khi đánh bại Argentina hùng mạnh với tỷ số 2-1. Sau đó, Nhật Bản cũng tạo nên “cơn địa chấn” với chiến thắng trước đội tuyển Đức. Hàn Quốc cũng giành 1 điểm đầu tiên tại World Cup 2022 trước đối thủ Uruguay được đánh giá cao hơn.

Trong 6 đội tuyển châu Á tham dự World Cup 2022, chỉ có Australia và chủ nhà Qatar thi đấu kém ấn tượng và gần như hết cơ hội vượt qua vòng bảng. Còn lại, bốn đội bóng kể trên đều đang nắm nhiều ưu thế giành vé đi tiếp và lần đầu tạo nên lịch sử với số đội châu Á dự vòng loại trực tiếp tại một vòng chung kết World Cup.

Vậy yếu tố nào đã giúp các đội bóng châu Á tạo nên những kết quả tốt đến thế?

Saudi Arabia ăn mừng chiến thắng lịch sử trước Argentina. (Ảnh: Getty Images)

Không phải ngẫu nhiêu các đội bóng châu Á có thể tạo nên những trận cầu ấn tượng trước các "ông kẹ” của bóng đá thế giới như Argentina, Đức và sau đó đến Urugay và Xứ Wales. Những kết quả ấy không xuất phát từ yếu tố may mắn và khách quan nào, thay vào đó là từ chính nội lực của các đội bóng.

Theo huấn luyện viên Nguyễn Thành Công, hai yếu tố đầu tiên giúp các đội bóng châu Á chơi sòng phẳng với đối thủ được đánh giá cao hơn, là tính kỷ luật và tinh thần quyết tâm.

Huấn luyện viên V-League phân tích: “Khác với quá khứ, các đội châu Á bây giờ đã tiếp cận xu hướng bóng đá thế giới, từ đó có những bước phát triển nhanh. Các cầu thủ chuyên nghiệp hơn, có tính kỷ luật để có thể vận hành tối đa chiến thuật khi thi đấu, từ đó tạo nên sức mạnh.”

“Trong khi đó, tinh thần thi đấu của các đội châu Á như Nhật Bản, Saudi Arabia quá tuyệt vời. Dù cả hai đội bóng này đều bị ép sân và thủng lưới sớm trước đối thủ mạnh hơn, song đều không đánh mất thế trận. Cầu thủ thậm chí còn thi đấu quyết tâm, chơi chắc chắn để không bị thua thêm trước khi gỡ hòa và vươn lên thắng ngược. Đội bóng tuy bị xếp cửa dưới nhưng chơi lì lợm và có phương án chiến thuật hợp lý để khiến đối thủ bế tắc, ” ông Công đánh giá.

Đồng quan điểm, cựu danh thủ Nguyễn Trung Kiên cũng cho biết yếu tố kỷ luật nắm giữ vai trò thành công cho các đội châu Á. Bên cạnh đó, ông Kiên chỉ ra, việc các đội bóng châu Á ngày một áp dụng nhiều phương án tập luyện khoa học theo xu hướng hiện đại, giúp cầu thủ trở nên hoàn thiện hơn.

Ông Kiên từng có thời gian tiếp xúc với huấn luyện viên trưởng tuyển Saudi Arabia khi ông Herve Renard làm việc tại Việt Nam hồi năm 2003 ở câu lạc bộ Nam Định.

Ông Kiên cho hay: “Herve Renard rất hay và thú vị. Chỉ tiếc, ông không có nhiều thời gian thích ứng với môi trường bóng đá Việt Nam. Thời điểm ấy, bóng đá Việt Nam rất khó có thể tiếp cận được một huấn luyện viên như Renard.”

“Herve Renard có giáo án bài tập khoa học, phương pháp huấn luyện hiện đại. Cầu thủ dưới thời ông ấy, được cải thiện và phát triển thể lực rất tốt,” cựu huấn luyện viên Phù Đổng chia sẻ.

Iran đánh bại Xứ Wales nhờ hai bàn thắng liên tiếp ở phút bù giờ. (Ảnh: AFP)

Có chung quan điểm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá Việt (Vietfootball) – đơn vị đi đầu trong việc phát triển bóng đá phong trào, ông Dương Thanh Liêm đề cao yếu tố thể lực và thể trạng con người châu Á đã làm nên chiến thắng trước đối thủ có sức vóc, kỹ thuật nhỉnh hơn. Đây được coi là yếu tố rất cơ bản làm nên chiến thắng trong bóng đá ở mọi thời kỳ.

Ông Liêm chia sẻ: “Cầu thủ châu Á ngày một nhanh hơn, mạnh hơn và dẻo dai hơn. Chỉ cần đối thủ có dấu hiệu hụt hơi, cầu thủ Nhật Bản, Iran hay Saudi Arabi đều sẵn sàng tranh chấp để thắng khi đối đầu. Thậm chí, cầu thủ châu Á có nền tảng kỹ thuật không thua kém đối phương khi tự tin đi bóng qua người, khống chế và dứt điểm chuẩn xác.”

“Dù cuối trận, đội tuyển Iran vẫn có thể chơi ép sân, mở những đường bóng tốc độ. Đặc biệt, thể lực tốt giúp đội bóng này dễ dàng tràn sang phần sân đối phương ở những phút bù giờ, qua đó cướp bóng và mở ra cơ hội ghi bàn,” ông Liêm nêu ví dụ.

Dưới góc độ cầu thủ, hậu vệ Phạm Xuân Mạnh cho biết cầu thủ châu Á giờ đây cũng có độ quái và "già rơ" cần thiết như cầu thủ châu Âu hay Nam Mỹ. Điều này đến từ quá trình cầu thủ châu Á thường xuyên được chơi bóng ở nước ngoài.

Từng có cơ hội tiếp xúc với đội tuyển Nhật Bản và Saudi Arabia khi thi đấu cùng tuyển Việt Nam, Xuân Mạnh nêu ý kiến: “Nhiều cầu thủ châu Á bây giờ thi đấu rất khó chịu, không dễ để tranh chấp và lấy bóng. Tuyển Saudi Arabia gồm nhiều cầu thủ thi đấu trong nước nhưng thi đấu rất hiện đại và không hề bỡ ngỡ khi phải đối đầu với những cầu tới từ các nền bóng đá khác.”

Nhật Bản thắng Đức với tỷ số 2-1 dù bị dẫn trước từ sớm. (Ảnh: AFP)

Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy chỉ ra thêm một yếu tố nữa làm nên chiến thắng của đội tuyển châu Á. Đó là lợi thế sân nhà khi thi đấu tại Qatar cũng như chính các đối thủ chủ quan khi gặp đối thủ châu Á.

Bình luận viên giàu chuyên môn nói: “Không khó để nhận ra Đức và Argentina đã có sự chủ quan nhất định khi đối đầu với đội châu Á. Ở những khoảnh khắc khác nhau, hai đội bóng này không chắt chiu cơ hội kết liễu trận đấu, thay vào đó có phần ung dung nên để đối thủ vùng lên và ghi bàn.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Croatia đang viết tiếp giấc mơ còn dang dở năm 1998. (Nguồn: THX/TTXVN)

World Cup 2018: Điều kỳ diệu của bóng đá Croatia

Croatia đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở một trận chung kết World Cup sau khi vượt qua đội tuyển Anh trong thời gian đá hiệp phụ, qua đó viết tiếp giấc mơ còn dang dở năm 1998.